Còn 19 dự án chưa gửi hồ sơ đàm phán
Theo Bộ Công thương, đến thời điểm này, việc cung ứng điện cho miền Nam, miền Trung đã bảo đảm được nguồn, do hiện nay khu vực Nam Bộ đã bước vào mùa mưa, phụ tải đã giảm, nguồn nước về các hồ thủy điện cũng đã cải thiện.
Tuy nhiên, ở miền Bắc đang đứng trước áp lực rất lớn về cung ứng điện do mực nước về các hồ thủy điện rất thấp, hầu hết các hồ lớn đều ở mực nước chết. Tính chung, miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh). Hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương xác định một trong những giải pháp tập trung thực hiện là tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành.
Giám đốc Công ty Mua bán điện Nguyễn Danh Sơn cho biết, tính đến ngày 7.6.2023, đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.691,861MW gửi hồ sơ cho Công ty để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Trong đó, có 56 dự án (tổng công suất 3.087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7.1.2023 của Bộ Công thương). Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.
Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
Hiện, có 19 dự án đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 25 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Như vậy, hiện vẫn còn 19 dự án với tổng công suất 1.042,7MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Các địa phương cần hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục
Thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án năng lượng tái tạo gửi kiến nghị lên Bộ Công thương đề nghị tháo gỡ khó khăn để nhanh chóng vận hành thương mại.
Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng cho biết, mỗi dự án điện được đưa vào vận hành đều phải tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật liên quan như quy định về sử dụng đất, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy...
Theo quy định, các dự án năng lượng tái tạo công suất trên 50MW sẽ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công thương, các Sở Công thương địa phương sẽ phê duyệt dự án công suất nhỏ hơn.
Ngày 25.5 vừa qua, Bộ Công thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Công thương thực hiện thẩm định, kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền.
Đối với những dự án thuộc thẩm quyền Bộ Công thương thì Bộ trực tiếp thẩm định, thẩm định thiết kế điều chỉnh, kiểm tra công tác nghiệm thu, hướng dẫn chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc để bảo đảm dự án đưa vào phát điện theo đúng Thông tư số 15/2022/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tinh thần xuyên suốt là “không vì công tác thẩm định hay kiểm tra nghiệm thu mà làm ảnh hưởng bất kỳ dự án điện nào”, ông Hùng khẳng định.
Thực tế công tác kiểm tra cho thấy có nhiều vướng mắc khác nhau, như có dự án chưa hoàn thiện thủ tục cho thuê đất, hoặc chưa có văn bản nghiệm thu phòng cháy chữa cháy… Do đó, đại diện Bộ Công thương đề nghị một mặt, các chủ đầu tư cần chủ động nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, các địa phương cũng cần chung tay, hỗ trợ chủ đầu tư giải quyết thủ tục nhanh nhất có thể.
Những dự án đã trình hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệm thu và đã nộp đủ theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý, thi công và bảo trì công trình xây dựng sẽ được kiểm tra hết trong tuần này, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng cho biết thêm.