Không bỏ sót người được trợ giúp
Để triển khai Luật Trợ giúp pháp lý, các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện, trong đó có những quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ cho người được trợ giúp pháp lý là người mẹ, trẻ em gái, nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị mua bán, nạn nhân bị xâm hại tình dục.
Đặc biệt, nhằm hướng dẫn Khoản 9, Điều 8 Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 29.6.2018 quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, Bộ Tư pháp và TANDTC đã triển khai Cơ chế người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhằm bảo đảm đối tượng thuộc diện trợ giúp pháp lý bao gồm các đối tượng đặc thù như: trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo,... được giải thích đầy đủ về quyền được trợ giúp pháp lý, được tiếp cận, cung cấp và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, tránh việc phải đi lại xa xôi, nhiều lần, giảm thiểu tối đa việc bỏ sót đối tượng. Chương trình được thực hiện trong 5 năm (2022 - 2027) và triển khai trong toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực tế việc thực hiện cơ chế phối hợp trợ giúp pháp lý tại Toà cũng là một trong những hoạt động thúc đẩy xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ em. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em là việc cung cấp trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong quá trình tố tụng hình sự, dân sự, hành chính mà mọi người có thể tiếp cận được, phù hợp với độ tuổi, đa ngành và có hiệu quả, và đáp ứng một loạt các nhu cầu pháp lý và xã hội đối mặt với trẻ em và thanh thiếu niên. Trợ giúp pháp lý thân thiện với trẻ em được thực hiện bởi các luật sư và những người không phải luật sư nhưng được đào tạo về pháp luật liên quan đến trẻ em và sự phát triển của trẻ em, vị thành niên và người có khả năng giao tiếp hiệu quả với trẻ em, người chăm sóc của trẻ.
Như vậy, vấn đề cốt lõi của hệ thống này là xây dựng đội ngũ trợ giúp pháp lý đạt yêu cầu trên. Theo đó, họ không chỉ có trình độ và kiến thức sâu rộng về các lĩnh vực pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến trẻ em để có thể áp dụng trong quá trình giải quyết vụ việc cụ thể; nắm vững các quyền của trẻ em và các nguyên tắc thường được áp dụng khi xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em… mà còn phải có kiến thức về tâm, sinh lý kinh nghiệm và kỹ năng làm việc với trẻ em; có khả năng nắm bắt, phân tích diễn biến tâm lý của trẻ. Đây là thách thức không nhỏ đối với các địa phương.
Chú trọng đào tạo, nâng cao nghiệp vụ
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện có 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, 105 Chi nhánh Trợ giúp pháp lý cấp huyện, liên huyện với đội ngũ người thực hiện Trợ giúp pháp lý trong cả nước là 1.233 người; có 40 tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; 180 tổ chức đăng ký tham gia Trợ giúp pháp lý; 663 luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Tuy vậy, chất lượng đội ngũ này không đồng đều, đặc biệt ở những địa phương khó khăn, nhất là đối với những vụ việc trợ giúp liên quan đến trẻ em bị xâm hại, bạo lực.
Từ thực tế này, mỗi địa phương cần xác định rõ số lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý nhất là đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý để trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức nhằm tạo nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý hoặc đưa ra tiêu chí để ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với các Luật sư, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý. Đồng thời, thực hiện các biện pháp phù hợp để thu hút các nguồn lực xã hội tham gia công tác trợ giúp pháp lý thông qua việc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư, cộng tác viên, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật; thực hiện đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý cho các tổ chức có đủ điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, sớm đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng trợ giúp pháp lý đặc biệt là kỹ năng trợ giúp cho các đối tượng đặc thù là phụ nữ, trẻ em, trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại…
Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang, Bùi Đức Độ cho rằng, để hạn chế, giảm đến mức thấp nhất các vụ việc xâm hại trẻ em, rất cần nhiều biện pháp đồng bộ từ phía chính quyền và người dân. Trước hết vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em mà nòng cốt là ở các cấp hội, đoàn thể của địa phương; phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc quả lý, giáo dục trẻ em. Mặt khác, cũng không kém phần quan trọng là phát hiện kịp thời các biểu hiện, hành vi xâm hại trẻ em; xử lý nghiêm những hành vi xâm hại trẻ em; theo dõi giúp trẻ chữa lành vết thương và phục hồi.