Cuộc ra quân hùng hậu
Với quy định phải là sáng tác từ 3 năm trở lại đây, vậy mà Ban tổ chức triển lãm nhận được tới 1.030 tác phẩm gửi tham dự. Một con số quả là hùng hậu. Có thể hình dung khó khăn của Hội đồng nghệ thuật khi chọn ra 170 trong số hơn một nghìn tranh tham dự đó để trưng bày. Và nếu nhìn vào 170 tác phẩm đó, đều ghi năm sáng tác là 2006, 2007 và 2008. Đáng chú ý hơn, trong số này có đến 1/3 tác phẩm là của các tác giả sơn dầu đã định hình tên tuổi, phong cách. Những cái tên quen thuộc từ hàng chục năm trước như: Nguyễn Lương Tiểu Bạch, Lê Anh Vân, Lê Huy Tiếp, Nguyễn Trung Tín, Phạm Lực… đều có tác phẩm mới vẽ năm 2008. Đội ngũ họa sỹ trẻ tham gia triển lãm cũng rất hùng hậu, trong đó có những cái tên mới xuất hiện, và phần lớn từ các tỉnh xa và lần đầu tiên có tranh sơn dầu tham dự một triển lãm toàn quốc, như: Chế Thị Kim Trung (Ninh Thuận), Lê Nguyễn Thảo My (Gia Lai), Nguyễn Hữu Phương (Long An), Hoàng Trung Dũng (Thái Bình), Nguyễn Văn Lê (Lào Cai)…
Số lượng tác phẩm tham dự cũng phần nào phản ánh đúng trào lưu sáng tác sơn dầu ở từng địa phương. Hà Nội chiếm số lượng áp đảo với 103 tranh được chọn trưng bày, TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với 11 bức. Điều đó phản ánh đúng thực trạng, là giới sáng tác chủ yếu tập trung ở hai trung tâm đô thị lớn. Rải rác trong số 45/61 tỉnh thành có tác giả tham dự, mỗi tỉnh, thành một vài tác phẩm, cũng cho thấy tính chất toàn quốc của triển lãm này.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Chủ tịch HĐNT Triển lãm, họa sỹ Hoàng Đức Toàn nhận xét, những con số của triển lãm này thêm một lần khẳng định, sơn dầu là chất liệu sáng tác chủ lực hiện nay trong đời sống mỹ thuật. Trong khi đó, họa sỹ Vi Kiến Thành, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, ví von: vẽ sơn dầu phổ cập đến nỗi bất cứ ai học vẽ là nghĩ ngay đến chất liệu này, như bài tập phổ thông vậy. Vì thế, việc đông đảo họa sỹ khắp mọi miền đất nước gửi tác phẩm mới tham gia triển lãm cũng là một ngạc nhiên dễ hiểu.
Chưa thấy tín hiệu mới
Đông đảo, đều khắp, đa dạng là vậy, nhưng nếu để điểm tên những tác phẩm thật sự ấn tượng trong triển lãm là một việc mà ngay chính các nhà chuyên môn, những người phê bình mỹ thuật lâu năm cũng phải dè dặt. Họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Lương Xuân Đoàn nhận xét, triển lãm cho người xem cảm giác đa dạng về những góc nhìn, đề tài, phong cách. Song bên cạnh đó cũng là cảm nhận về một mặt bằng đầy đặn nhưng dàn trải và ít sự nổi bật. Tại hội thảo chuyên đề về tranh sơn dầu, nhiều ý kiến giới chuyên môn cũng băn khoăn, rằng chưa thấy một hình ảnh mới của tranh sơn dầu Việt Nam đương đại qua triển lãm này.
Sơn dầu vốn là chất liệu của phương Tây mới được du nhập vào Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, sớm được các họa sỹ tiếp nhận, nắm bắt kỹ thuật bằng tài năng và tâm hồn của người Việt. Ngay từ lúc khởi đầu đó, đã có một lớp họa sỹ Việt Nam ghi danh tài năng của mình bằng chất liệu này như: Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị… Tuy phổ cập, dễ vẽ, nhưng sơn dầu cũng bộc lộ sự khó tính ở chỗ, nếu không thực sự có tài năng thì những khiếm khuyết sẽ dễ dàng bị lộ. Vì vậy, họa sỹ theo sơn dầu thì nhiều, nhưng để thật sự thành danh thì không dễ. Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo cho biết, thực tế các trường đào tạo mỹ thuật đều lấy sơn dầu là bài học cơ bản, sinh viên học nhiều nhưng khi đi thi thì điểm vẽ sơn dầu lại không cao bằng các chất liệu khác. Bởi thế nên trong dòng chảy khá rộng của sơn dầu hiện tại, những gương mặt nổi và định hình được về phong cách không nhiều, và cũng chưa có ai vượt được những đỉnh cao của thời kỳ trước.
Nhà phê bình mỹ thuật Trang Thanh Hiền cho rằng, so với những gì mà giai đoạn nghệ thuật đổi mới có được, thì dường như tranh sơn dầu Việt Nam qua triển lãm này đang bị già đi. Những tác phẩm khá nhàm và quá quen thuộc với tư duy lấy cái đẹp và sự hài hòa làm tiêu chí hàng đầu. Và nếu nói đây là một triển lãm mang tính tổng kết về tranh sơn dầu Việt Nam, thì còn thiếu những tác phẩm của thế hệ trước mang tính chất lịch sử của chất liệu. Còn nếu chỉ là những sáng tác mới nhất của họa sỹ sơn dầu, thì tính phong trào lại nổi bật, mà thiếu điểm nhấn, thiếu vắng những gương mặt mới đang được chú ý của mỹ thuật Việt Nam đương đại.
Tuy vậy, nói như họa sỹ Trần Khánh Chương, triển lãm và hội thảo chuyên đề về tranh sơn dầu là một nỗ lực đáng ghi nhận. Cùng với các triển lãm và hội thảo chuyên đề về tranh sơn mài, lụa trước đó và gốm sắp tới, mỹ thuật Việt Nam mới có cơ sở để nhìn nhận và đánh giá khách quan về giá trị cũng như thành tựu và hướng đi mới cho từng chất liệu.