Gần 7.000 người nghiện được điều trị bằng thuốc methadone
Nhận thức được tầm quan trọng của chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone trong bối cảnh số người nghiện vẫn tiếp tục tăng, công tác quản lý cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện còn bất cập, tỷ lệ tái nghiện còn cao; Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ Y tế phê duyệt “Đề án sản xuất và sử dụng thuốc methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010 – 2015”, trong đó có mục tiêu mở rộng điều trị ra 30 tỉnh, thành phố với 80.000 người nghiện được điều trị vào năm 2015.
Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone được triển khai thí điểm thành công từ tháng 4/2008 tại TP Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Đến cuối tháng 12/2011, chương trình đã nhân rộng ra 11 tỉnh, thành phố, với gần 7.000 người nghiện ma tuý đang được điều trị. Theo tổng kết một năm triển khai thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc methadone tại Hải Phòng cho thấy, thuốc methadone có giá thành rẻ, chỉ khoảng 37 USD, tương đương 680.000 đồng/chai loại 1.000ml, nồng độ 10mg/ml. Dẫn chứng, một bệnh nhân với liều duy trì 100mg/ngày có thể sử dụng dụng trong khoảng 100 ngày điều trị. Như vậy chi phí về thuốc methadone cho một bệnh nhân khoảng 200.000 đồng/tháng và hơn 6.000 đồng/ngày. Đánh giá một số kết quả đạt được trong việc triển khai thí điểm chương trình, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố Lê Khắc Nam khẳng định, với gần 1.050 người tham gia điều trị methadone tham gia điều trị đạt kết quả tốt, qua đó người bệnh ổn định sức khỏe, hòa nhập với gia đình và cộng đồng, nhiều người tìm được việc làm, ổn định cuộc sống; tình hình trật tự an toàn xã hội các khu vực có cơ sở điều trị methadone và các địa phương ổn định và được cải thiện.
Ghi nhận những kết quả đạt được của chương trình, Phó thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chương trình đã mang lại lợi ích rất lớn cả về mặt y tế và xã hội. Trước hết, người nghiện không còn những cơn vật vã vì đói thuốc, không phải mất nhiều chi phí, sức khỏe đã cải thiện, nhiều người đã tìm được công ăn việc làm giúp đỡ gia đình. Tiếp theo, trong gia đình người nghiện ma túy không còn xung đột, không kiệt quệ về kinh tế do ma túy gây ra và lợi ích thứ ba chính là cộng đồng xã hội. Thực tế cho thấy, các địa phương triển khai chương trình methadone giảm hẳn các vụ phạm tội liên quan đến ma túy.
Hướng tới mục tiêu 40% người nghiện được tiếp cận chương trình
Trong giai đoạn II từ năm 2013-2015, dự kiến mở rộng chương trình ít nhất tại 17 tỉnh, thành phố (tổng số ít nhất 30 tỉnh, thành phố triển khai chương trình), ước tính sẽ điều trị cho 80.000 bệnh nhân vào cuối năm 2015. |
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, tuy nhiên dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn đang trong giai đoạn tập trung và đã có xu hướng chững lại, không tăng nhanh như những năm trước. Tuy nhiên, hiện nay, tiêm chích ma túy vẫn là đường lây nhiễm HIV chủ yếu tại Việt Nam. Các bài học kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, chỉ có hoạt động can thiệp giảm tác hại mới có thể ngăn chặn được lây nhiễm HIV, đặc biệt là trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao thông qua việc triển khai các biện pháp như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP Hải Phòng Vũ Văn Công, tại Việt Nam, việc điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone mới chỉ bắt đầu và còn nhiều khó khăn thách thức. Để triển khai chương trình đạt hiệu quả cần phải đòi hỏi ý chí quyết tâm của bản thân người nghiện, sự quan tâm trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng, từ trình độ, năng lực và tâm huyết của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc làm việc trong lĩnh vực này. Và điều quan trọng là sự động viên và giám sát chặt chẽ của gia đình.
Với kinh nghiệm của các nước và các tổ chức quốc tế cũng như kết quả khoa học đã khẳng định, với mục tiêu ít nhất 40% người nghiện các chất dạng thuốc phiện được tiếp cận chương trình, ước tính khoảng 80.000 người được điều trị từ nay đến năm 2015. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Bộ Y tế chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án mở rộng việc triển khai chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, chủ động chuẩn bị nguồn thuốc, tiếp tục xây dựng và trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn để các địa phương chủ động triển khai chương trình. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính bảo đảm ngân sách cho chương trình, UBND các tỉnh chủ động triển khai chương trình trên nguyên tắc các quận huyện có trên 250 người nghiện các chất dạng thuốc phiện phải triển khai cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone.
Như vậy, để chương trình điều trị methadone được duy trì bền vững, rất cần sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ mạnh mẽ của các bộ, ban ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế, tiếp tục cùng chung tay thực hiện hiệu quả công cuộc phòng chống ma túy, phòng chống đại dịch HIV/AIDS, nhằm góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội cho nhân dân.