Nông dân tự sản xuất phân bón, thuốc sinh học
Những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét đối với sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, sản xuất nông nghiệp cần chuyển hướng từ sản xuất theo cách truyền thống sang hướng thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững với môi trường. Trong đó, sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên, sản xuất theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học, hạn chế chất thải để không gây ô nhiễm môi trường… đang được tỉnh Đồng Nai quan tâm khuyến khích. Nông dân cũng ngày càng quan tâm chuyển đổi sang những mô hình sản xuất, ứng dụng giống mới ít bị tác động bởi thời tiết; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để khắc phục, hạn chế thiệt hại do thời tiết gây ra.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trần Lâm Sinh, việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hạn chế sử dụng phân bón thuốc hóa học là xu hướng tất yếu. Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 nông dân ứng dụng chế phẩm sinh học vào trồng trọt (ủ phân hữu cơ, làm thuốc bảo vệ thực vật) và 100 hộ chăn nuôi ứng dụng phương thức này để giảm mùi hôi do chất thải chăn nuôi gây ra.
Một bộ phận lớn nông dân trên địa bàn tỉnh cũng tận dụng các chất thải chăn nuôi, rác hữu cơ… tự sản xuất phân bón, thuốc sinh học phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng để giảm chi phí đầu tư. Ông Vũ Văn Mạnh (nông dân ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ, sau khi tham gia một số lớp tập huấn về làm nông nghiệp hữu cơ do địa phương tổ chức, ông đã ứng dụng công nghệ sinh học tự ủ phân bón hữu cơ và sử dụng men vi sinh để tạo ra những chế phẩm sinh học diệt sâu bọ. Với khoảng 20 thùng phi ủ phân bón, ông Mạnh tự làm đủ phân bón cho vườn ổi và vườn mít rộng 1,3ha của gia đình. Nguyên liệu để ông tự ủ phân có thể thay đổi tùy vào nguồn rác hữu cơ nhà vườn tận dụng được như từ động vật như xác gà, vịt chết, bắt ốc sên hại vườn cây, cá trộn với các loại rau, lá như cành cây chùm ngây…
Nhờ tự làm được phân bón, vuờn ổi của ông bón phân đều hàng tháng nên đạt năng suất cao, chất lượng quả ngon. “Dù tốn nhiều công hơn khi tự làm phân, thuốc nhưng nhà vườn không phải lo lắng mỗi khi giá phân, thuốc trên thị trường tăng cao như hiện nay. Ngoài ra, người dân xung quanh biết về vườn ổi, vườn mít sạch nên thường đến tận vườn mua hàng, người dân mua nhiều nên thường cung không đủ cầu”, ông Mạnh chia sẻ.
Ông Trần Thanh Tùng (nông dân tại xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) cũng đang chuyển hướng sản xuất theo mô hình sản xuất khép kín vườn - ao - chuồng. 5ha đất của gia đình được ông nuôi gà, vịt, có ao thả cá với chất thải chăn nuôi được tận dụng làm phân bón hữu cơ cho vườn cây. Nhờ đó, đất vườn ngày càng tơi xốp, màu mỡ, cây trồng cũng sinh trưởng tốt hơn. “Tôi tận dụng hết mọi chất thải trong nông nghiệp như phân chuồng, rác hữu cơ làm thành phân bón cho cây trồng nên chi phí đầu tư giảm hơn nhiều so với sử dụng phân, thuốc hóa học. Đây cũng là điều kiện để nông sản sạch của tôi bán với giá hàng thường vẫn có lợi nhuận tốt”.
Ngày càng được nhân rộng
Câu chuyện sản xuất nông nghiệp bền vững theo chuỗi khép kín tận dụng phế, phụ phẩm nông nghiệp, không tạo ra rác thải ô nhiễm môi trường đang được nhân rộng trong sản xuất của nông dân. Theo đó, huyện Vĩnh Cửu là địa phương đi tiên phong khi xây dựng Đề án minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Vĩnh Cửu và chuyển giao ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi cho nông dân trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho biết, huyện chọn phát triển nông nghiệp sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ làm mũi nhọn đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương trong giai đoạn tới. Đến nay, huyện đã triển khai rộng rãi đến khắp các xã, thị trấn phương pháp sử dụng men vi sinh trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong xử lý rác hữu cơ trong sinh hoạt. Mô hình này sẽ được tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới.
Định hướng về bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để các đặc sản trên được chứng nhận là sản phẩm nông nghiệp sạch theo hướng đưa sản phẩm vào đăng ký nhãn hàng hóa theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là kênh có nhiều lợi thế trong chứng nhận và hỗ trợ nông sản sạch phát triển về thị trường.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, hàng năm, đơnn vị đều phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn khuyến cáo nông dân bón phân hóa học cân đối để hạn chế đất chai cằn, ô nhiễm môi trường.