Hoàn thành 14/27 chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ
Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành uỷ (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021- 2025” vừa tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ.
Theo báo cáo, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, 14/27 chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của cả nhiệm kỳ. Dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào cuối quý I.2022, tạo tiền đề quan trọng đề phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. Toàn thành phố đã trao tặng 1.778.951 suất quà cho các đối tượng chính sách ưu đãi người có công; người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; người cao tuổi; cán bộ nghỉ hưu, mất sức, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, các đối tượng khó khăn khác... với tổng kinh phí hơn 800 tỷ đồng (nguồn vận động xã hội hóa chiếm 15,1%).
Bên cạnh đó, Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở y tế, giáo dục đào tạo, trợ giúp xã hội phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Trong đó, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND (ngày 8.4.2022) về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo, với tổng mức đầu tư hơn 49.000 tỷ đồng. Nhiều dự án đã khởi công, đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Cùng với đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố đã phát huy vai trò chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào; đồng thời tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, chương trình tín dụng chính sách được đẩy mạnh, góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định, hỗ trợ các đối tượng vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 6.227.000 đồng/người/tháng (bằng 103,7% so với năm 2021)...
Bên cạnh những kết quả tích cực trên, Ban Chỉ đạo cũng cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát song nguy cơ dịch bệnh sẽ quay trở lại và một số dịch bệnh khác có thể xuất hiện; còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh. Việc triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử còn hạn chế do chưa có phần mềm dùng chung toàn thành phố... Ngoài ra, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị còn khó khăn; nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, người lao động tạm thời ngừng việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động ảnh hưởng đến công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Lấy "dân làm gốc" trong quá trình khiển khai
Tham luận tại hội nghị, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, các sở, ngành, địa phương đã trao đổi, bổ sung thêm các kết quả thực hiện chương trình, như: công tác vận động nguồn lực thực hiện công tác an sinh xã hội; Triển khai thực hiện công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; chương trình tín dụng chính sách xã hội; công tác giảm nghèo bền vững, chăm sóc, trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội…
Các đơn vị cũng đề nghị, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh công tác phổ biến ý nghĩa của Chương trình số 08-CTr/TU. Đồng thời, tiếp tục triển khai, thực hiện Chương trình theo hướng lấy người dân là trung tâm và tập trung vào các đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn; Gắn việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình số 08-CTr/TU với các chương trình công tác khác của Thành ủy...
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, cho thấy sự quyết tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn 3 chỉ tiêu đạt thấp, gồm: số giường bệnh trên vạn dân, số bác sĩ trên vạn dân, tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe; một số văn bản, nhiệm vụ của Chương trình thực hiện còn chậm so với kế hoạch; tiến độ một số dự án, công trình lĩnh vực y tế theo nghị quyết của HĐND thành phố và các dự án xã hội hóa triển khai còn chậm…
Để hoàn thành có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và các chỉ tiêu của chương trình để các cấp, các ngành và mọi người dân hiểu, đồng tình hưởng ứng. Qua đó có thêm nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân. "Trong quá trình triển khai, phải nhận thức đầy đủ và thực hiện đúng nguyên tắc “dân là gốc” thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua", ông Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu.
Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình đến hết nhiệm kỳ, nhất là các chỉ tiêu còn chậm, gặp nhiều khó khăn để tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ... Đối với việc triển khai Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND thành phố về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để thu hẹp dần khoảng cách thu nhập giữa thành thị - nông thôn và miền núi trên địa bàn.