Cuối tháng 4.2023, tôi háo hức cùng đoàn lãnh đạo Hội đồng nhân dân huyện đi khảo sát thực địa rừng và đất lâm nghiệp tại xã Hương Lâm, Huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Đây là một trong những xã có diện tích tự nhiên lớn nhất huyện, có đường biên giới giáp với nước ban Lào khoảng 15km. Khu vực chúng tôi đi thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A - Hà Tĩnh quản lý.
Anh Dương Tất Thắng, Giám đốc Công ty, người đã gắn bó gần 30 năm công tác trong ngành lâm nghiệp, với chất giọng miền xuôi Hà Tĩnh dễ nghe, đã hồ hởi giới thiệu với chúng tôi về tiềm năng quý giá của rừng Hương Khê; từng đoạn đường, từng khúc cua để đến đỉnh Cù Lân - đỉnh núi cao nhất trên dãy Giăng Màn. Kia là dốc Cổng trời, nhiều cua tay áo, thử thách với những tay lái không chuyên. Ngày trước khi còn khai thác gỗ, xe qua đây lo lắm, một sơ sẩy là xuống vực sâu, rất nguy hiểm. Hai bên đường, từng vạt hoa Mua đỏ tươi, hoa Sim tím, từng vạt hoa Bươm bướm trắng thướt tha, những chùm hoa Hoàng Đằng đỏ thắm đua nhau nở, những vạt cây Dẻ bung hoa trắng lung linh, rực rỡ...
Chúng tôi quyết tâm đi đến nơi xa nhất là rừng tự nhiên giáp ranh với nước bạn Lào, mốc N9 cũ, nay là mốc phụ, ký hiệu Việt Nam - 511. Tôi nói với Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bản Giàng Nguyễn Văn Nam, có lẽ Hương Khê dân số hơn trăm nghìn người, nhưng số người đến được điểm này còn ít lắm. Mốc giới cách đồn biên phòng Bản Giàng hơn chục km, cách Thị trấn huyện gần 40 km. Khu vực này có trên 14.700ha (Rừng phòng hộ đầu nguồn trên 6.400ha; rừng sản xuất trên 8.800ha, trong đó rừng sản xuất là rừng tự nhiên hơn 6.400ha). Gồm 14 tiểu khu trải rộng trên địa bàn 3 xã Hương Lâm, Hương Xuân và Hương Vĩnh.
Con đường tuần tra biên giới từ Bản Giàng - Hương Vĩnh đã được xây dựng hơn chục năm về trước nhưng chất lượng còn khá tốt. Tôi thán phục tầm nhìn tuyệt vời của lãnh đạo tỉnh, Chỉ huy bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và huyện Hương Khê lúc bấy giờ đã kêu gọi đầu tư xây dựng công trình ý nghĩa này. Có lẽ một ngày không xa nữa du lịch sinh thái ở Hương Khê sẽ phát triển.
Càng đi vào khu rừng tự nhiên, chúng tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Những núi mẹ, núi con xếp chồng lên nhau như bức tranh khổng lồ, tựa như ai đó đang giăng màn thật đẹp mắt. Đỉnh Cù Lân trước mắt, hai đầu đỉnh núi chụm vào nhau; mây vờn long lanh trong sắc nắng tháng tư. Hai bên đường tuần tra không biết mọc lên từ lúc nào rừng cây chổi chít xanh ngát đồng loạt trổ bông vẫy cờ trong gió. Tôi bỗng nghe xào xạc du dương như nhạc rừng đang hát, đang ru…
Tôi ngân nga như thành câu hát trong tâm trí. Đất trời quê ta, đẹp thiết tha. Những rừng cây xanh nở đầy hoa thơm ngát. Những khoảng trời lam tươi mát đỉnh Cù Lân. Mùa xuân quê ta đẹp vô ngần…
Đến đoạn tiếp giáp giữa hai giông núi là một khoảng không gian, hình lòng máng đón gió, xuất hiện một vài chiếc lều thô sơ lợp bằng lạ cọ và tấm bạt cũ. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Đồn trưởng: “Kia là lán gì vậy?” Anh nói, đó là nơi canh sóng điện thoại. Một lúc sau, chúng tôi gặp anh bạn có trang phục lạ. Anh đồn trưởng cho biết, người bạn kia là bộ đội Lào đóng quân gần bản ta xin sang canh sóng điện thoại để liên lạc công việc. Tôi chào hỏi mấy câu xã giao và chúc sức khoẻ người bộ đội Lào. Anh ấy đi khuất dần mà dường như nụ cười thân thiện vẫn còn đọng lại trên môi.
Được hít thở không khí của rừng già, khám phá vùng đất lần đầu đặt chân đến. Đứng trên cao nghe gió lào thổi mạnh, phả hơi nóng vào mặt. Những cánh rừng giáp biên ngọn cây dường như tun lại, một số cây cao lưa thưa lá. Đi sâu vào rừng thì thảm thực vật đa dạng, rất nhiều cây gỗ quý, như Táu mật, Trường mật, Dẻ, De, thỉnh thoảng gặp cây Sến. Như vậy, “tứ thiết mộc” (đinh, lim, sến, táu), rừng Hương Khê đều có cả.
Chúng tôi xuống núi, đỉnh Cù Lân dần khuất trong mây khói lam chiều của dãy Giăng Màn hùng vỹ. Tạm biệt những cánh rừng tự nhiên với làn gió mát và hương thơm của ngàn vạn thứ hoa với bao nhiêu điều trăn trở. Mỗi năm Nhà nước khoán chi phí bảo vệ rừng tự nhiên là ba trăm nghìn đồng/ha. Công việc tuần tra bảo vệ rừng gian nan, vất vả, đời sống công nhân còn gặp khó khăn... Thiết nghĩ các cấp, các ngành cần có giải pháp khẩn trương quan tâm rà soát, quy hoạch lại ba loại rừng, có thể chuyển hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên là rừng sản xuất sang rừng phòng hộ. Đồng thời, có chính sách khuyến khích trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao, phục hồi lại rừng.
Để những cánh rừng đại ngàn trên đỉnh Cù Lân ngày càng giàu lên, là lá phổi xanh vô giá của con người, trong đó có người Hà Tĩnh, rất cần những giải pháp căn cơ, đầu tư phù hợp. Nếu không, một ngày không xa, cây keo sẽ chiếm lĩnh, rừng tự nhiên sẽ dần thu hẹp, sự đa dạng sinh học không còn nữa, rừng đầu nguồn nghèo kiệt dần. Nước sông Ngàn Sâu sẽ chỉ là khe suối và dữ dội gấp nhiều lần khi mùa mưa lũ đi qua.