Bên cạnh các quyền công dân nói chung như quyền sống (được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển); quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội… trẻ em có quyền được khai sinh, khai tử, có họ, tên, có quốc tịch; được xác định cha, mẹ, dân tộc, giới tính theo quy định của pháp luật. Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.
![]() Ảnh: Duy Thông |
“Chúng ta đừng coi trẻ em là những đối tượng chỉ biết vâng lời, phải làm theo lời người lớn. Hãy coi trẻ em cũng là một đối tác của mình, tôn trọng các em. Tôi mong rằng tất cả chúng ta coi trọng công tác chăm lo cho thế hệ mai sau một cách thực sự thiết thực. Chúng ta là đất nước pháp quyền, nên đầu tiên nhất định là phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các quyền của trẻ em”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - |
Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí; được bình đẳng về cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với độ tuổi. Trẻ em có quyền được tôn trọng đặc điểm và giá trị riêng của bản thân phù hợp với độ tuổi và văn hóa dân tộc; được thừa nhận các quan hệ gia đình…
Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Khi không còn cha mẹ, không được hoặc không thể sống cùng cha mẹ đẻ, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa, xung đột vũ trang, trẻ em có quyền được chăm sóc thay thế vì sự an toàn và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Luật cũng quy định rõ trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục, bị đánh đập hay lạm dụng, bị bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt. Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Đáng chú ý, trẻ em còn có quyền bí mật đời sống riêng tư. Cụ thể, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư…
Đây là năm thứ 30 Việt Nam thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em, tuy nhiên, các quyền về trẻ em vẫn chưa được hiểu và tuyên truyền đầy đủ. Rất nhiều người lớn đã có con, thậm chí có cháu, nếu hỏi trẻ em có bao nhiêu quyền, có khi cũng không biết. Do vậy, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với quyền của trẻ em, từ đó mới có thể bảo vệ và chăm sóc tốt trẻ em.