Tranh luận việc “đưa chủ đề rượu vào đề Văn” thi vào lớp 10 chuyên Hà Tĩnh

Đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Hà Tĩnh đang gây một số ý kiến tranh luận gần đây.

Đề thi gồm 2 câu. Câu 1 có thang điểm tối đa là 4 điểm, dẫn lại mẩu chuyện “Bánh mì cháy” và yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ về lời nói của nhân vật người cha trong câu chuyện: “Học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ”.

Câu 2 có thang điểm tối đa là 6 điểm, dẫn lại một đoạn thơ trong bài “Nghĩ về thơ” của nhà thơ Vương Trọng: “Là rượu, không phải cơm, ai đó nói về thơ/ Muốn là rượu phải có gạo, ngô… và men cây, men lá/ Không có rượu cất lên từ nước lã/ Chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ”. Đề thi yêu cầu bằng hiểu biết và trải nghiệm về thơ, học sinh hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng đây là đề thi hay, mang lại giá trị sâu sắc khi vừa nâng cao khả năng sáng tạo của học sinh vừa có ý nghĩa giáo dục con người. Đề thi cũng giúp tránh chuyện thí sinh học tủ.

Một số ý kiến khác lại bày tỏ không đồng tình và cho rằng, việc “đưa chủ đề về rượu vào đề thi cho học sinh cấp 2” là không phù hợp.

Tranh luận việc “đưa chủ đề rượu vào đề Văn” thi vào lớp 10 chuyên Hà Tĩnh -0
Đề thi môn Ngữ văn, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT chuyên Hà Tĩnh năm học 2024 - 2025

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề trên, cô giáo Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), giáo viên môn Ngữ văn nhìn nhận, xét về tổng thể, đây là một đề thi rất ổn, phù hợp với học sinh thi vào trường chuyên.

Câu 2 của đề thi dẫn lại đoạn thơ của nhà thơ Vương Trọng. Theo cô Hồng, bài thơ này hơi lạ về cách trình bày, nhưng ý nghĩa rất hay. Mượn hình ảnh “không có rượu cất lên từ nước lã”, phải có gạo, ngô… và men cây, men lá mới thành rượu, cũng như “chẳng có thứ thơ nào từ trống rỗng nhà thơ”, tác giả muốn nhấn mạnh rằng, thơ phải có cảm xúc, không có cảm xúc thì không thể thành thơ.

“Xét về mặt khoa học, rượu không làm từ nước lã. Muốn làm nên men rượu bắt buộc phải có gạo, có ngô, có men cây men lá. Giống như rượu phải có men, thơ cũng phải có xúc cảm. Nhà thơ muốn nói rằng, thơ phải từ xúc cảm, từ trái tim của con người, từ tất cả các giác quan của con người. Có nhiều người hiểu nhầm rằng, cứ gieo vần đúng là thành thơ. Không phải như vậy. Thơ là tiếng nói của cảm xúc được kết tinh bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất, hàm sắc nhất”, cô Hồng phân tích.

Theo cô, đề thi thực tế chỉ là dẫn từ tứ “không có rượu cất lên từ nước lã” để thấy rằng “không có cảm xúc thì không thành thơ”. Đây mới là cái cốt, là ý chính học sinh cần chứng minh. Do đó, không có gì cần tranh cãi, bàn luận về đề thi.

“Từ cảm nhận của một giáo viên dạy Văn, tôi thấy đề thi hay, dù cách đưa vấn đề có phần hơi lạ. Học sinh có thể phải đọc lâu một chút mới hiểu. Nhưng đây là kỳ thi chọn học sinh vào lớp chuyên Văn, nên đề thi hoàn toàn phù hợp”, cô Hồng đánh giá.

Cô Đào Phương Huệ, giảng viên Trường Đại học Thủ đô, chủ biên bộ sách tham khảo về Ngữ văn chương trình mới cũng cho rằng đây là đề Văn hay, phù hợp với năng lực của học sinh.

Theo cô Huệ, với yêu cầu tại câu 1 - phần nghị luận xã hội, học sinh có thể luận bàn mở rộng, bày tỏ quan điểm đồng ý hoặc không cũng đều hướng tới những cái nhìn tích cực về con người. Hoặc có thể nghiêm khắc để người có lỗi có cơ hội sửa chữa, hoặc có thể đồng tình với ý kiến “học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ”.

Với câu 2 nghị luận văn học (6 điểm), cô Huệ nhận định đề đúng chất “chuyên Văn”. Trước một số ý kiến cho rằng, hình tượng “rượu” trong câu 2 không phù hợp với độ tuổi học sinh, cô Huệ cho biết, “rượu” ở đây cần được hiểu theo nghĩa bóng, nói đến sự say mê. Say không phải là say xỉn, bê tha mà là say trước vẻ đẹp mơ hồ của cuộc sống, của thơ ca. Chỉ khi say trong tình yêu với văn chương, ta mới thấm thía được câu nói của Huy Trực: “Thơ là rượu của thế gian”.

“Biểu tượng “rượu” đặt trong văn cảnh, trong mạch cảm xúc của bài thơ, tên bài thơ là hoàn toàn hiểu được”, cô Huệ nói.

“Qua đoạn thơ của Vương Trọng, học sinh hiểu được nếu thơ đơn thuần là cảm xúc đẹp, là sự say mê vẻ đẹp bên ngoài là thơ “trống rỗng”. Thơ đòi hỏi một sự rung động mãnh liệt, khởi xuất từ sự cuồng nhiệt dành cho 1 đối tượng cụ thể. Đồng thời, thơ còn phải là tiếng nói cất lên từ cuộc sống. Thực tiễn và suy tư, khát vọng của con người về cuộc sống mới là nguyên liệu để “trưng cất” nên thơ.

Đoạn thơ đã nói rất hay, rất sâu, rất chính xác về “thơ”. Đó chính là gợi ý, là điểm tựa để học sinh không chỉ hiểu về bản chất thơ mà còn giúp họ chọn được những bài thơ có chất thơ để minh họa”, giảng viên Trường Đại học Thủ đô đánh giá.

Một thầy giáo dạy Văn tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh, Nghệ An) cho hay, những ý kiến cho rằng “đưa rượu vào thơ trong câu 2 là không phù hợp” có thể xuất phát từ một bộ phận người lớn mong muốn trong trường học (chí ít là từ bậc trung học trở xuống) tuyệt đối không được nhắc đến từ rượu vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ.

Tuy nhiên, theo thầy giáo này, “rượu” trong khổ thơ trên chỉ là một phép ẩn dụ. Thi nhân xưa cũng đưa rượu vào thơ rất nhiều. 

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 ở Hà Tĩnh diễn ra trong 2 ngày 6.6 và 7.6 với gần 19.000 thí sinh tham gia. Trong đó, thí sinh thi 3 môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh vào ngày 6.6. Thí sinh dự thi THPT chuyên Hà Tĩnh thi thêm môn chuyên vào ngày 7.6. Có gần 1.100 thí sinh bước vào thi các môn chuyên, giành 455 chỉ tiêu vào Trường THPT chuyên Hà Tĩnh.

Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Giáo dục

Hà Nội: Hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hà Nội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, diện hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa…vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau, các học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn
Giáo dục

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn

UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chỉ đạo UBND huyện Châu Đức khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ giáo viên Trường mầm non Ánh Dương phản ánh bị cắt xén bữa ăn, bảo đảm nguyên tắc xử lý dứt điểm, không né tránh, không bao che, không đối phó.

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương
Giáo dục

Lẵng hoa đặc biệt “quét QR” trong lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Ngoại thương

Ngay trên sân khấu của buổi lễ khai giảng, Trường Đại học Ngoại thương đã chuẩn bị một lẵng hoa đặc biệt với thông tin tài khoản của Ban cứu trợ Trung ương - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để lan tỏa tinh thần vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ đồng bào chịu hậu quả nặng nề sau bão Yagi.

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội
Giáo dục

4 “chàng trai Vàng” Olympic quốc tế Sinh học, Hóa học năm 2024 chọn Trường Đại học Y Hà Nội

Các “chàng trai Vàng” Olympic Sinh học quốc tế (IBO) năm 2024 gồm: Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Sĩ Hiếu, Đặng Tuấn Anh; cùng Nguyễn Hữu Tiến Hưng - Huy chương Vàng, thí sinh có điểm cao nhất đoàn Việt Nam tại Olympic Hóa học Quốc tế (IChO) 2024 cùng chọn theo học ngành Y khoa, Trường Đại học Y Hà Nội.