Tranh cãi việc xuất hiện môn Văn trong tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa

Trường đại học giải thích, việc đưa môn Văn vào tuyển sinh phù hợp với định hướng phát triển đội ngũ bác sĩ có kỹ năng tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cách thực hiện này không phù hợp.

Xuất hiện môn Văn trong xét tuyển ngành đặc thù 

Thông tin 4 trường đại học sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển vào ngành Y khoa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều trong những ngày qua.

Theo đó, năm 2023, Trường Đại học Văn Lang (TP. Hồ Chí Minh) thông báo xét tuyển ngành Y khoa (nhận văn bằng bác sĩ) qua 4 tổ hợp bao gồm: A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D08 (Toán, Sinh, Anh) và D12 (Văn, Hóa, Anh).

Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) cùng sử dụng tổ hợp B03 (Toán, Văn, Sinh) để xét tuyển ngành Y khoa, bên cạnh các tổ hợp khác là B00 (Toán, Hóa, Sinh), D08 (Toán, Sinh, Anh) và A02 (Toán, Lý, Sinh).

Trường Y Dược thuộc ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cũng xét tuyển ngành Y khoa bằng 4 tổ hợp, gồm A16 (Toán, KHTN, Văn), B00 (Toán, Hoá, Sinh), D90 (Toán, KHTN, Ngoại ngữ) và D08 (Toán, Sinh, Ngoại ngữ)

Thông tin môn Văn xuất hiện trong tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa khiến không ít người đặt câu hỏi, bởi đây là ngành học đặc thù, các kiến thức về khoa học tự nhiên như Toán học, Hóa học, Sinh học vốn rất quan trọng.

Một số trường đại học lý giải, việc đưa môn Văn vào tuyển sinh là phù hợp với định hướng xây dựng phát triển đội ngũ bác sĩ gia đình hay bác sĩ cơ sở - những người rất cần kỹ năng tiếp xúc, sự khéo léo để chia sẻ, động viên, tư vấn cho người dân. Trong khi đó, học sinh giỏi Ngữ văn là những người có đầu óc tư duy xã hội tốt.

Đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y là không phù hợp và hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề trên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, mong muốn xét tuyển thí sinh có trí tuệ cảm xúc, có phẩm chất, có thái độ phù hợp với ngành Y bên cạnh kiến thức chuyên môn là quan điểm tuyệt vời cả về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn.

Tuy nhiên, phương thức thực hiện bằng việc đưa môn Ngữ văn vào một trong các tổ hợp xét tuyển lại không phù hợp và hiệu quả.

PGS Thơ phân tích, điểm môn Văn hiện nay không thể hiện được mối tương quan nào với cảm xúc cảm thông, phẩm chất nhân ái, thái độ tôn trọng và kể cả năng lực giao tiếp. “Dĩ nhiên, chúng ta có thể nói "thường là", nhưng xã hội cần một minh chứng thuyết phục”, PGS Thơ nhấn mạnh.

Theo bà Thơ, muốn tìm kiếm những thí sinh đáp ứng đủ tiêu chí về trí tuệ cảm xúc, thái độ phù hợp,… như trên, các trường có thể sử dụng nhiều công cụ đánh giá để đo lường như hồ sơ học tập minh chứng cho sản phẩm, quá trình học tập (trong đó có những dự án đã được thực hiên, có những đánh giá, nhận xét từ thực tiễn); hoặc có thể áp dụng thêm hình thức phỏng vấn,…

“Tôi mong rằng các trường khi tuyên bố một bộ tiêu chí tuyển sinh có thể công bố được phương thức với minh chứng nghiên cứu từ giá trị, ý nghĩa của quá trình học tập trước đó mà thí sinh đã trải qua; những gì sẽ được thực hiện trong quá trình đào tạo ở trường và cả đánh giá của bên sử dụng, với đầy đủ số liệu’, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.

Tranh cãi việc xuất hiện môn Văn trong tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa -0
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I (TP. Hồ Chí Minh) thì cho rằng, người bác sĩ quan trọng nhất vẫn phải có chuyên môn, những kiến thức, kỹ năng cơ bản mà một bác sĩ cần có.

Các yếu tố như ăn nói khéo léo, kỹ năng thuyết phục người dân,… không phải là yếu tố chính yếu. Do đó, việc bỏ bớt các môn quan trọng như Sinh học, Hóa học hay Toán học để thay bằng môn Ngữ văn và nói rằng do những yếu tố này rất quan trọng là không phù hợp.

“Theo tôi, muốn là bác sĩ gia đình thì trước tiên cũng phải là bác sĩ đã. Không thể nào nói rằng bác sĩ gia đình thì không cần học tốt môn Sinh hay môn Hóa”, bác sĩ bày tỏ ý kiến.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, muốn sinh viên Y khoa có các kỹ năng như trên, các trường đại học cần đào tạo sâu trong quá trình sinh viên theo học, thay vì bỏ bớt các môn thi quan trọng khi xét tuyển.

“Kỹ năng về tâm lý tiếp xúc hay vấn đề đạo đức y khoa, sự thấu cảm với bệnh nhân không phải học tốt môn Văn là đủ. Sinh viên không học những điều này từ môn Văn mà cần bổ sung ở các môn học trong trường Y”, bác sĩ Khanh nói.

Đồng thời, ông cũng đề xuất nên dạy các môn Đạo đức nghề Y, Tâm lý tiếp xúc cho sinh viên Y khoa ở thời điểm các em đã được tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân trên thực tế, thay vì dạy khi sinh viên mới vào trường sẽ bớt đi tính hiệu quả.

Nhu cầu phát triển toàn diện không chỉ ở riêng ngành nào

Cùng trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về thông tin đang nhận nhiều ý kiến trái chiều nói trên, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ đưa ra nhìn nhận theo hướng mở.

Theo ông, việc có hay không sự xuất hiện của môn Văn trong một tổ hợp xét tuyển cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới kết quả tuyển sinh đầu vào ngành Y.

Trước hết, đây chỉ là một trong 4 tổ hợp xét tuyển, các trường vẫn có tổ hợp xét tuyển truyền thống như Toán, Hóa, Sinh. Bên cạnh đó, bản thân trong tổ hợp có môn Văn cũng có sự xuất hiện của các môn như Hóa, Sinh.

“Tôi cho rằng không nên tách lẻ một môn trong một tổ hợp để chê trách. Cần xét trên cả tổ hợp đó, xem có đảm bảo cho việc học tốt trong lĩnh vực này hay không”, GS Vận nói.

GS.TSKH Đặng Ứng Vận phân tích, nhu cầu phát triển toàn diện không chỉ có trong các ngành mang tính xã hội, mà còn là nhu cầu chung, cho cả các ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ.

Muốn giỏi trong ngành công nghệ cũng cần tầm hiểu biết về nhân văn, hay muốn giỏi về y học thì cũng cần hiểu về con người. Một ví dụ thực tế là hiện nay, người dân mắc các bệnh tâm lý rất nhiều, ngoài công cụ về y học còn cần kiến thức khác về tâm lý, xã hội để trị liệu.

“Trước đây, nhiều người cũng có quan điểm rằng tại sao vào đại học lại cứ phải học những môn khoa học xã hội. Nhưng sau này nếu muốn phát triển giáo dục khai phóng thì làm sao bỏ qua được việc học tập rất nghiêm túc về nhân văn, xã hội. Những kiến thức này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong công việc, cuộc sống sau này của mỗi người.

Nếu muốn làm một "người thợ" thì không cần học về về nhân văn, xã hội; nhưng nếu muốn làm một nhà khoa học, một người ở tầng lớp cao hơn hay có khả năng sáng tạo, phát triển thì cần có kiến thức tổng hợp như vậy”, GS Vận cho hay.

Được biết, năm 2014, Bộ trưởng Bộ Y tế thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến từng hưởng ứng đề xuất của một số hiệu trưởng trường y, dược về việc đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y. 

Lãnh đạo ngành Y tế khi đó cho rằng môn Văn giúp cán bộ ngành Y nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp.

Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học
Giáo dục

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng 4.500 phòng học

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP. Hồ Chí Minh vừa làm việc với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh về thực hiện Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.