Hương vị Tết xưa
Với nhịp sống tất bật của xã hội hiện đại, việc hiểu rõ ý nghĩa của từng phong tục và cùng chung tay gìn giữ chúng chính là cách để giá trị của ngày Tết mãi vẹn nguyên. Một trong những phong tục đẹp và trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt là tục gói bánh chưng ngày Tết. Chính vì thế, địa điểm trải nghiệm và giới thiệu tục gói bánh chưng là một trong điểm nhấn thu hút nhiều du khách của chương Trải nghiệm Tết truyền thống hiện đang diễn ra tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội).
Tại đây, mọi người đã được nghe kể về truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày”, một món lễ vật của Lang Liêu khi đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh tượng trưng cho trời tròn và đất vuông. Đây là lễ vật hợp ý với nhà vua nhất và từ đó bánh Chưng, bánh dày đã trở thành lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức thờ cúng, để thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với tiên tổ, cha, ông. Không những vậy, không khí háo hức nhất của những người tham gia làm bánh chưng là cùng nhau bên bếp lửa hồng của nồi bánh chưng nghi ngút khói tỏa thể hiện sự sum vầy, ấm áp và đoàn tụ.
Em Lê Mạnh Linh (sinh viên năm 3 khoa Tiếng Anh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: Được biết tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra nhiều hoạt động thú vị liên quan tới Tết nên em đã rủ bạn bè đến trải nghiệm và khám phá. Nhóm thực sự hào hứng khi được tìm hiểu và tham gia hoạt động gói bánh chưng. Người Việt Nam coi bánh chưng là món ăn, hương vị đặc trưng của ngày Tết. Phong tục gói bánh chưng ngày Tết là hoạt động rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, nhớ công sinh thành dưỡng dục to lớn như trời đất của cha mẹ. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, những người trẻ tuổi đi làm việc và học tập xa quê khi trong gia đình tôi rất háo hức được xem gói và luộc bánh chưng. Đây cũng là dịp gia đình sum vầy, đầm ấm. Với gia đình tôi bánh chưng còn dùng làm quà tặng, quà biếu và cũng là món ăn đặc sản mời khách, cả chủ và khách cùng ăn lấy may mắn trong năm mới.
Cũng tại buổi trải nghiệm, em Nguyễn Thị Hồng (23 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hoạt động tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam hết sức có ý nghĩa bổ ích trong dịp Tết cổ truyền. Việc trải nghiệm sẽ giúp giới trẻ có cơ hội tiếp cận được những hoạt động văn hóa dân gian, tạo cơ hội giao lưu và hạn chế việc sử dụng các thiết bị điện tử.
Trải nghiệm Tết 4.0
Năm nay, bên cạnh việc tái hiện các trò chơi truyền thống, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn tổ hoạt động mới áp dụng công nghệ trong việc khám phá văn hóa truyền thống Tết nguyên đán qua không gian ảo (VR tour). Theo đó, du khách sẽ được trải nghiệm xuyên không về quá khứ để bảo vệ, xây dựng công trình Diên Hựu thời Lý (Chùa Một Cột). Thông qua VR tour, mọi người có thể ngược dòng thời gian hơn 800 năm, để bước đi trong không gian chùa tháp hoàng gia thời Lý.
Thông qua các hoạt động mới sẽ giúp du khách có cơ hội trải nghiệm từ văn hóa dân gian đến hiện đại qua khám phá khoa học, công nghệ, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng học hỏi thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác. Sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ sẽ mang đến một trải nghiệm mới và hào hứng cho các bạn trẻ.
Là đơn vị mang công nghệ thực tế ảo VR, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Holomia Đinh Anh Tuấn cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thực tế VR là một xu hướng phát triển trên thế giới. Ngày nay, giới trẻ rất thích trải nghiệm công nghệ này. Nhiều trung tâm giải trí đã mang game thực tế ảo và được giới trẻ đón nhận. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR để số hóa trò chơi dân gian đã được công ty nghiên cứu và đưa ra thị trường. Người chơi có thể trải nghiệm, tìm hiểu các nội dung liên quan trò chơi dân gian. Lợi ích lớn nhất của thực tế ảo là khả năng tương tác độc đáo, cho phép con người trên khắp thế giới giao tiếp với nhau một cách thoải mái mà không còn bị hạn chế bởi vấn đề kinh tế hoặc địa lý.
Thông qua game xuyên không bảo vệ công trình Diên Hựu thời Lý sẽ đem lại cảm giác mới cho giới trẻ, tạo sức hút tìm hiểu lịch sử Việt Nam. Em Ngọc Minh (9 tuổi, trường tiểu học Chu Văn An) bày tỏ: Em rất thích công trình chùa Một Cột. Khi được biết có hoạt động khám phá công trình này, em đã xin người lớn tham gia trải nghiệm. Em cảm thấy được hòa mình và trở thành một phần trong đó, và phần nào có thể chạm vào lịch sử và không gian văn hóa.