TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2025: tối thiểu 80% nhà trường đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và đạt 90% vào năm 2030; giảm 50% số học sinh bị tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông và giảm 60% vào năm 2030.
100% nhà trường có kế hoạch và tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh kiến thức, kỹ năng an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích và phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ Lễ - Tết, nghỉ hè.
100% học sinh tại các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên được tuyên truyền, phổ biến về nguyên nhân gây tai nạn thương tích thường gặp và được hướng dẫn những kiến thức cơ bản về phòng, tránh tai nạn thương tích.
Đến năm 2025, phấn đấu 95% học sinh phổ thông được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước và đạt 100% vào năm 2030, trong đó đến năm 2025 có trên 70% học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng và biết vận dụng trong thực tiễn và đạt 80% vào năm 2030; phấn đấu 80% học sinh phổ thông biết bơi và biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước và đạt 90% vào năm 2030.
Đồng thời, năm 2025 có 95% giáo viên mầm non, giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông để hướng dẫn cho học sinh và đạt 100% vào năm 2030; trên 90% giáo viên giáo dục thể chất ở các trường phổ thông được tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước và kỹ năng dạy bơi, cứu đuối và sơ cấp cứu ban đầu và đạt 100% vào năm 2030.
100% các cơ sở giáo dục thực hiện nhập liệu số liệu theo định kỳ và nhập liệu khi có số liệu cụ thể của đơn vị về tai nạn thương tích của học sinh.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục xác định cụ thể các nhiệm vụ, nội dung thực hiện để phối hợp cơ quan chuyên môn tại địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đảm bảo phòng, chống đuối nước; phòng ngừa tai nạn giao thông; phòng ngừa té ngã; phòng, chống cháy, bỏng; phòng, chống động vật cắn và phòng ngừa học sinh tự tử.
Phát huy sức mạnh của tập thể, huy động toàn thể lực lượng trong nhà trường đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với chính quyền địa phương và gia đình học sinh trong việc phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh.
Chủ động ứng phó và xử lý kịp thời khi xảy ra mất an toàn cho học sinh theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.