Trong đó, ước thu nội địa của TP. Hồ Chí Minh trừ dầu hơn 293.400 tỷ đồng, đạt 95,4% dự toán pháp lệnh; số thu từ dầu thô được 24.800 tỷ đồng, đạt 155% dự toán pháp lệnh; số thu nội địa trừ dầu, trừ xổ số kiến thiết, trừ tiền sử dụng đất, trừ lợi nhuận còn lại ước hơn 275.600 tỷ đồng, đạt 97,2% dự toán pháp lệnh.
Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ước đạt hơn 190.000 tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán pháp lệnh, chiếm tỷ trọng 64,8% trên số thu nội địa trừ dầu thô.
Trong năm 2023, Cục thuế đã tập trung ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý hóa đơn dựa trên kết quả phân tích rủi ro, xác định người nộp thuế có dấu hiệu nghi ngờ gian lận trong sử dụng hóa đơn để đưa vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra; xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật.
Đẩy mạnh công tác quản lý thu đối với hoạt động thương mại điện tử; thực hiện chuyên đề kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết; tổ chức theo dõi sát sao tình hình nợ thuế để đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Cục thuế cũng đã tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trực tuyến nhằm hỗ trợ người nộp thuế trong các giao dịch hành chính thuế, cụ thể như kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, liên thông giải quyết hồ sơ nhà đất với Sở Tài nguyên - Môi trường Thành phố.
Năm 2024, Tổng Cục thuế giao chỉ tiêu cho ngành thuế Thành phố là 351.860 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023. Do vậy, Cục thuế xác định nhiều giải pháp để đạt nhiệm vụ đề ra.
Trong đó, Cục thuế xác định nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, tham mưu cho lãnh đạo Thành phố các chính sách về thuế để tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ kinh doanh, để phục hồi kinh doanh, làm tốt nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Đẩy mạnh hơn hoạt động chuyển đổi số theo chủ đề năm, tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, giảm thời gian cho người nộp thuế, giảm nợ thuế, chống thất thu thuế… Có giải pháp cụ thể tham mưu mở rộng đối tượng thu thuế, để bảo đảm tính công bằng trong kinh doanh, bảo đảm nguồn thu cho Thành phố.
Trong đó, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Phi Vân Tuấn đã đề nghị Cục thuế Thành phố tiếp tục quan tâm hỗ trợ người dân, DN tiếp cận các gói hỗ trợ. Nếu trong quá trình thực hiện có phát sinh thêm thì tiếp tục triển khai khi các cơ chế, chính sách ra đời. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở tất cả các khâu từ kê khai nộp thuế, hoàn thuế… tránh tình trạng đáng tiếc của một số vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Cục thuế cũng cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024: Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp quản lý thu; Hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước được giao; Thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống Thuế đến năm 2030 mà trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử.
Đồng thời, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đổi mới và đa dạng các hình thức tuyên truyền hỗ trợ, chú trọng cung cấp các dịch vụ thuế điện tử nhằm tạo thuận lợi giảm chi phí và thời gian cho người nộp thuế. Triển khai kịp thời các chính sách thuế mới, các chính sách miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ người nộp thuế nhanh chóng phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh có hiệu lực trong năm 2024.
Theo số liệu của Cục thuế, TP. Hồ Chí Minh hiện có hơn 323.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó có hơn 48.100 doanh nghiệp mới thành lập, hơn 43.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể, phá sản, tạm ngừng kinh doanh.