Đây là thông tin được Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hồ Chí Minh cho biết tại buổi sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2023-2024, chiều 14.12.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025, các môn thi và phương thức thi giữ nguyên như các năm trước.
Về thời gian tổ chức kỳ thi, Sở GD-ĐT sẽ công bố thời gian phù hợp để tạo thuận lợi tối đa cho công tác tổ chức kỳ thi, bảo đảm 2 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT không cùng thời điểm.
Riêng về phương án tuyển sinh lớp 10, rút kinh nghiệm từ năm học 2023-2024, sau khi kết thúc công tác tuyển sinh ở giai đoạn 1, một số trường THPT phải thông báo xét tuyển bổ sung. Do đó, năm học 2024-2025, Sở sẽ có một số điều chỉnh về phương án tuyển sinh, nhằm tạo cơ hội xét tuyển tốt hơn cho học sinh có nguyện vọng xét tuyển vào hệ thống trường công lập.
Lịch thi tuyển sinh lớp 10 hàng năm tại TP. Hồ Chí Minh tùy thuộc vào lịch thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT, thường diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 6, bảo đảm thời gian giữa hai kỳ thi cách nhau 20 ngày.
4 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tuyển sinh được Sở GĐ-ĐT TP. Hồ Chí Minh triển khai là:
Thứ nhất, tổ chức thống kê và phân tích chi tiết toàn bộ dữ liệu tuyển sinh vào lớp 10 của 3 năm gần nhất của toàn thành phố theo quận, huyện, các trường THCS, kết hợp với dữ liệu địa chỉ nhà, khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh qua 2 năm thí điểm áp dụng bản đồ GIS nhằm đưa ra các đánh giá về công tác đăng ký nguyện vọng và kết quả tuyển sinh của từng trường THCS.
Trên cơ sở đánh giá, Sở sẽ phối hợp với các phòng GD-ĐT rà soát lại quy trình tư vấn, hướng dẫn của các trường THCS có tỷ lệ cao thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ.
Thứ hai, thay đổi và bổ sung tiêu chí đánh giá thi đua về việc đánh giá kết quả tuyển sinh vào lớp 10, kết quả dựa trên số lượng học sinh nộp hồ sơ vào trường trúng tuyển nhằm tránh tình trạng một số đơn vị chạy theo thành tích, hướng dẫn học sinh đăng ký vào các trường ở xa nhà.
Thứ ba, rà soát lại chỉ tiêu tuyển sinh của các trường THPT công lập nhằm bảo đảm đủ 70% học sinh tốt nghiệp THCS trúng tuyển vào các trường THPT công lập theo đúng quy định phân luồng của Bộ GD-ĐT.
Thứ tư, thay đổi quy trình xét tuyển đối với các nguyện vọng lớp 10 chuyên và lớp 10 thường ở các trường THPT công lập. Phương án mới được xây dựng trên cơ sở rút ngắn thời gian công bố kết quả tuyển sinh; tăng khả năng trúng tuyển của học sinh vào các trường công lập theo nguyện vọng đăng ký; từng bước giảm dần số lượng học sinh trúng tuyển nhưng không nộp hồ sơ nhập học.