Phát triển văn hóa gắn kết với phát triển kinh tế
Thành ủy, HĐND, UBND TP. Cao Lãnh vừa tổng kết công tác thực hiện Kết luận số 253-KL/TU ngày 31.12.2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp Khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa X về phát triển kinh tế - xã hội TP. Cao Lãnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Lãnh đạo UBND TP. Cao Lãnh cho biết, để hoàn thành 21 chỉ tiêu như kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Tháp đề ra, thành phố đặt ra những kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện những chỉ tiêu đó. Kết quả đến nay đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo nghị quyết của Đảng bộ thành phố đặt ra. Cụ thể, có 9/21 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu và 12/21 chỉ tiêu chưa đạt.
Thời gian qua, thành phố phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Kết quả cho thấy, đến nay chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên theo chuẩn của Luật Giáo dục 2019 được nâng cao, cải thiện, đáp ứng được với nhu cầu phát triển của xã hội trong tình hình mới. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đến cuối năm 2024 ước đạt 93,8%, tăng 27,8% so với năm 2020. Thành phố Cao Lãnh được UNESCO công nhận là “Thành phố học tập toàn cầu” vào tháng 9.2022. Đường sách thành phố Cao Lãnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 19.11.2022.
Chất lượng lao động được nâng lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố đến hết năm 2024 ước đạt 88%. Hoạt động xúc tiến, giới thiệu việc làm cho sinh viên, người lao động được thực hiện tốt, có hơn 12.000 lao động đã tìm được việc làm. Ngoài ra, thành phố đặc biệt quan tâm đến công tác an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội được thành phố quan tâm thực hiện từ nhiều nguồn lực. Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công.
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,81%, hộ cận nghèo còn hơn 2,5%. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Cao Lãnh và các đơn vị liên quan đã phối hợp vận động công tác an sinh xã hội trên 9,2 tỷ đồng, xây dựng và bàn giao 106 căn nhà đại đoàn kết, với tổng số tiền hơn 8,5 tỷ đồng.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh đô thị” đã đi vào cuộc sống và trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày của cộng đồng dân cư. Thành phố nâng cao chất lượng nhiều sự kiện văn hóa – lễ hội trên địa bàn thành phố gắn với phát triển du lịch; mặt khác quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ phục vụ ngành du lịch; nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, điển hình là tổ chức ra mắt Chợ quê cù lao Tân Thuận đang thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Đối với lĩnh vực thương mại – dịch vụ; thương mại điện tử ngày càng phát triển với nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Tập trung tổ chức đầu tư, sắp xếp lại các chợ theo hướng văn minh, hiện đại. Từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố có 479 doanh nghiệp và 2.605 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp là 1.695 doanh nghiệp và 16.599 hộ kinh doanh hiện đang hoạt động.
Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp, thành phố cắt giảm tối đa thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ giao tiếp của đội ngũ cán bộ khi giao tiếp với người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Phát triển nông nghiệp xanh, xây dựng làng thông minh
Lãnh đạo UBND TP. Cao Lãnh cho biết, thời gian qua thành phố thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị, bảo vệ tài nguyên và môi trường; công tác chuyển đổi số; Phát triển thương mại – dịch vụ; Nâng cao chất lượng các ngành công nghiệp; Phát triển nông nghiệp đô thị; Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; Phát triển văn hóa, xã hội gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; Nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng và đảng viên, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội,…
Với những nhiệm vụ trọng tâm nêu trên được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh đánh giá cao, trong đó, hiệu quả nổi bật là công tác chuyển đổi số, vì TP. Cao Lãnh là địa phương đầu tiên thành lập Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC), lắp đặt 3 camera AI, xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ đăng ký kinh doanh, lập bản đồ quản lý mã số vùng trồng, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử, sổ khám chữa bệnh điện tử, ứng dụng đặt lịch hẹn khám bệnh từ xa, triển khai các tuyến đường chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt,… tạo thành hình mẫu cho các địa phương khác học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 713 tỷ đồng, chiếm 32% tổng thu toàn tỉnh, đứng đầu trong 12 huyện, thành phố, tốc độ thu ngân sách giai đoạn 2021-2024 ước đạt 8,3%/năm. Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã bố trí vốn từ ngân sách tỉnh hỗ trợ cho thành phố 677,807 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt 99,9%.
Chủ tịch UBND TP. Cao Lãnh Võ Phan Thành Minh cho biết: “Lãnh đạo thành phố đang tập trung phát triển nông nghiệp đô thị gắn với nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, xây dựng “Làng thông minh”. Theo đó, nông nghiệp đô thị tiếp tục phát triển theo hướng xanh, có truy xuất nguồn gốc đáp ứng doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Lũy kế đến 6 tháng đầu năm 2024, toàn TP. Cao Lãnh có 97 vùng trồng tương ứng 3.133ha, đã được cấp 561 mã số xuất khẩu (gồm các thị trường Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản, Nga). Thành phố đã triển khai lập Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị thành phố Cao Lãnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và phấn đấu đến năm 2030 không còn sản xuất lúa, diện tích chuyển sang trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao”.
Mặc dù đạt những kết quả như trên, lãnh đạo TP. Cao Lãnh nhìn nhận còn tồn tại một số hạn chế, như: Công tác triển khai thực hiện Kết luận số 253-KL/TU của một số đơn vị còn chậm, chưa kịp thời. Tiêu chí đô thị loại II giảm điểm so năm 2021; Đồ án quy hoạch chung thành phố Cao Lãnh được phê duyệt còn chậm; Số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố chưa đạt như kỳ vọng; Việc chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn còn hạn chế; Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa mang đậm nét đặc trưng địa phương...
Để giải quyết những tồn tại nêu trên, lãnh đạo TP. Cao Lãnh huy động sức mạnh của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trên toàn địa bàn thành phố, khơi dậy tinh thần phát triển kinh tế - xã hội; Tập trung khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế trên địa bàn thành phố tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhất là các yếu kém về hạ tầng giao thông để tạo tác động lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực, nhằm đạt các chỉ tiêu, kế hoạch như nghị quyết của Thành ủy, HĐND đề ra.