Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp này, UBTVQH đã cho ý kiến 3 dự án luật, nhiều nội dung quan trọng và thông qua 7 nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ, Thường trực các Ủy ban, Tổng Thư ký QH phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án Luật và tiến hành các bước tiếp theo, đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết đã thông qua để ký ban hành. Với những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh.
Riêng dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ tịch QH và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu sẽ chủ trì làm việc với các cơ quan có trách nhiệm trong thực hiện phòng, chống tham nhũng bàn về những nội dung còn có ý kiến khác nhau, để tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Chủ tịch QH đề nghị, ngay từ giữa tháng 7 này, cần chuẩn bị các nội dung cho việc chuẩn bị việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.
Trước khi bế mạc, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã tổng kết Kỳ họp thứ Năm và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Sáu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp |
Ảnh: Quang Khánh |
Kỳ họp có nhiều cải tiến thiết thực và hiệu quả
Trình bày báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Năm, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau 20 ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thận trọng, trách nhiệm và quyết tâm cao, QH đã cơ bản hoàn thành chương trình Kỳ họp thứ Năm với nhiều cải tiến thiết thực và hiệu quả. Kỳ họp đã tập trung xem xét, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống dân sinh, sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Nhìn chung, các nội dung được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định, chất lượng được nâng lên. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được đổi mới. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, hình thức tranh luận tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả. Các tài liệu, thông tin được cung cấp phong phú, đa dạng. Công tác phục vụ kỳ họp được bảo đảm, tạo sự yên tâm cho đại biểu trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp.
Kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của QH ngày càng hướng tới chiều sâu, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi, giám sát, đóng góp ý kiến thẳng thắn, kịp thời, có tính xây dựng. QH đã trân trọng lắng nghe và tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các quyết định của QH.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức Kỳ họp thứ Năm vẫn còn một số hạn chế. Chất lượng chuẩn bị một số nội dung trình QH còn hạn chế, chưa nghiên cứu kỹ về mặt lý luận và thực tiễn. Vẫn còn tình trạng đề nghị rút hoặc bổ sung gấp các dự án, dự thảo, ảnh hưởng đến tính ổn định của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tính kỷ cương, kỷ luật lập pháp. Một số chất vấn chưa rõ ý, chưa chuyên sâu; Bộ trưởng, Trưởng ngành có lúc trả lời chưa đi vào trọng tâm vấn đề, chậm trả lời một số chất vấn bằng văn bản…
Các thành viên của UBTVQH đều thống nhất cho rằng, Kỳ họp thứ Năm đã thành công và hoàn thành khối lượng lớn công việc lớn về công tác lập pháp, giám sát và xem xét, quyết định các vấn đề khác. Đồng thời, cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc thông tin, tuyên truyền về một số nội dung kỳ họp, trong đó có dự án luật còn chưa theo sát tình hình, tư tưởng của cử tri, Nhân dân để kịp thời định hướng, ngăn chặn hiệu ứng không tốt trong dư luận xã hội…
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ Năm |
Ảnh: Quang Khánh |
Kỳ họp thứ Sáu sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật
Theo Tờ trình về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV do Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, dự kiến QH làm việc khoảng hơn 20 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22.10 và bế mạc vào ngày 19.11.2018.
Tại Kỳ họp thứ Sáu, QH dành hơn 10 ngày cho công tác lập pháp, xem xét, thông qua 11 dự án luật; cho ý kiến 6 dự án luật; dành 9 ngày rưỡi để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, QH dành một ngày để tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Cho ý kiến về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, cần sắp xếp chương trình làm việc để QH lấy phiếu tín nhiệm trước khi các Bộ trưởng trả lời chất vấn. Việc sắp xếp này nhằm tránh gây bất lợi đối với các Bộ trưởng nếu như trong quá trình trả lời chất vấn có “trục trặc” gì đó. Đây cũng là kinh nghiệm đã làm ở những lần lấy phiếu trước đó, Chủ nhiệm UB Lê Thị Nga nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: Việc lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị thật chu đáo, QH và Chính phủ phối hợp ngay từ bây giờ, không để trục trặc, thiếu hồ sơ khi lấy phiếu. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện giữa kỳ họp.
Liên quan đến hoạt động chất vấn, theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, tại Kỳ họp thứ Sáu, việc trả lời chất vấn sẽ không chỉ có 3 hay 4 bộ trưởng trả lời mà tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có mặt để giải trình việc thực hiện các lời hứa của mình trước đây như thế nào. Việc trả lời chất vấn nên thực hiện vào gần cuối kỳ họp để tăng tính hấp dẫn của kỳ họp.