Trình bày tóm tắt Báo cáo của Chính phủ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương Khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập…, Chính phủ đã thực hiện việc rà soát, sắp xếp tổ chức lại bộ máy của các bộ, ngành, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, Chính phủ đã ban hành các nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ.
Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhóm chức danh sau:
Các chức danh trước đây có thẩm quyền xử phạt và thuộc cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và các nghị định về thanh tra chuyên ngành), nhưng theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP thì không còn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Các chức danh là Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và các nghị định về thanh tra chuyên ngành), nhưng theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP thì không còn được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nhưng có cơ quan thanh tra trực thuộc.
Các chức danh thuộc cơ quan không phải là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, nhưng sau khi tổ chức, sắp xếp lại có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn.
Các chức danh là Thủ trưởng của cơ quan mới được chia tách từ cơ quan trước đây thực hiện chức năng thanh tra và có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng cơ quan được chia tách này không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nêu rõ, đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước rà soát để chỉnh sửa, quy định thẩm quyền xử phạt tại các Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Trình bày Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết quy định, điều chỉnh một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thanh tra với lý do được nêu tại Báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cân nhắc thời điểm điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần do hiện nay các cơ quan đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến nội dung này là bảo đảm cơ sở pháp lý, đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó “Trường hợp chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn thì thẩm quyền xử phạt của chức danh đó do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Chính phủ xem xét, quyết định phù hợp thời điểm sửa đổi, bổ sung các nghị định, trên cơ sở bám sát chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương. Chỉ đạo Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, rà soát các pháp lệnh về xử phạt vi phạm hành chính để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh các chức danh có thẩm quyền xử phạt do có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn (nếu có), bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 35 chức danh, bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chức danh như tại Phụ lục kèm theo Báo cáo của Chính phủ.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.