Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.
Cùng dự còn có: Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển - Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Đề tài; Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các thành viên Hội đồng khoa học; đại diện các cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe công bố Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài. Theo đó, Hội đồng gồm 9 thành viên do GS.TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật làm Chủ tịch Hội đồng.
Đánh giá kết quả đạt được của Đề tài, các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cơ bản nhất trí với mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu của Đề tài và cho rằng việc nghiên cứu Đề tài là nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa lý thuật và thực tiễn sâu sắc. Đề tài được nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng; các sản phẩm của Đề tài đều đầy đủ về số lượng, chủng loại; phù hợp với mục tiêu, nội dung nghiên cứu đã được xác định tại Đề cương nghiên cứu được phê duyệt.
Các đại biểu cũng cơ bản tán thành cách tiếp cận nghiên cứu Đề tài là phù hợp, phương pháp nghiên cứu được sử dụng hợp lý, có tính hiện đại.
Nhiều ý kiến cho rằng, Đề tài đã hệ thống hóa và phát triển sâu thêm, đầy đủ hơn những vấn đề lý luận về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam qua 80 năm xây dựng, phát triển. Đồng thời, tổng kết một cách cô đọng, súc tích, đầy đủ tổ chức và hoạt động của từng khóa Quốc hội từ năm 1946 đến nay; tổng kết và đánh giá được các thành tựu nổi bật của Quốc hội trên các phương diện: lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; giám sát tối cao; đối ngoại nghị viện; công tác dân nguyện. Kết quả nghiên cứu của Đề tài có giá trị thực tiễn to lớn, là sự tổng kết khoa học có tính thuyết phục cao, là một tài liệu quý để tìm hiểu sâu về lịch sử Quốc hội Việt Nam.
Các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu Đề tài thống nhất đánh giá Đề tài xếp loại: Xuất sắc.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau thời gian nghiên cứu rất khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao với nỗ lực lớn, Đề tài khoa học cấp bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển” được tổ chức nghiệm thu chính thức.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đề tài là nhiệm vụ khoa học đặc biệt, mang tính chính trị, pháp lý hết sức sâu sắc là hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946 - 6.1.2026). Đồng thời, vừa là hoạt động nghiên cứu vừa có tính chất tổng kết thực tiễn; các số liệu, nhận định đều là nhận định chính thức từ những tài liệu đã có. Đây là trách nhiệm quan trọng nhưng cũng là niềm vinh dự về mặt chính trị của những cán bộ thuộc thế hệ đang công tác tại Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Đề tài có tính tiếp nối, kế thừa và có sự phát triển của các công trình, tài liệu nghiên cứu đã có của Quốc hội từ nhiều thế hệ trước nhưng cũng được tiếp cận theo phương pháp mới. Đây là công trình đồ sộ nhất, huy động được sự nghiên cứu đông đảo nhất của các đại biểu Quốc hội cả đương chức và đã nghỉ công tác của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các chuyên gia, nhà khoa học. Đề tài nghiên cứu tổng kết về Quốc hội trong 80 năm, có kế thừa, phát triển kết quả nghiên cứu của các đề tài, đề án, sách lịch sử về Quốc hội Việt Nam đặt trong tổng thể kết quả hoạt động của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và vì Nhân dân.
Trải qua gần 2 năm nghiên cứu với những cố gắng nỗ lực rất lớn của các cơ quan, thành viên và các nhà khoa học, Đề tài đã cơ bản hoàn thành. Thay mặt Ban Chủ nhiệm Đề tài, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực, hiệu quả của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đặc biệt là Viện Nghiên cứu lập pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận sự cộng tác, cống hiến hết sức mình của các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên Ban Chủ nhiệm Đề tài; sự tâm huyết, trách nhiệm của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đã có những nhận xét hết sức xác đáng, vừa mang tính khoa học, nghiêm túc, sâu sắc vừa thể hiện sự động viên, khích lệ, chia sẻ với Ban Chủ nhiệm Đề tài và các cơ quan đã tham gia nghiên cứu. Qua đó, có nhiều chỉ dẫn, đóng góp ý kiến thiết thực, khoa học để Ban Chủ nhiệm Đề tài tiếp thu và hoàn thiện các tài liệu.
Cụ thể, cần làm rõ những đặc trưng cơ bản nhất, giá trị cốt lõi nhất của Quốc hội Việt Nam khác với Quốc hội các nước trên thế giới đó là “của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Trong các thời gian phân kì gắn với 3 chức năng cơ bản, một số nhiệm vụ trọng tâm, gắn với sứ mệnh chính trị trung tâm của Quốc hội Việt Nam trong từng giai đoạn và gắn với từng Hiến pháp; chọn dấu ấn, sự kiện đặc biệt trong từng giai đoạn. Cùng với đó, làm rõ hơn các nội dung, tư tưởng về kỷ nguyên mới; cụ thể hơn những việc phải làm theo Hiến pháp năm 2013, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW và theo những chỉ đạo mới đây của Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư, trong đó có nội dung về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới công tác giám sát, đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, đổi mới công tác bầu cử.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ban Chủ nhiệm Đề tài sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Đề tài với chất lượng cao nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiếp đó tiến hành xuất bản thành sách.