Cơn “sang chấn” với giáo viên
- Chủ trương chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng lao động đang được nhiều người quan tâm. Ý kiến của ông về việc này thế nào?
- Cụm từ “chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng lao động” tôi không hiểu lấy từ đâu ra và chủ trương thế nào, nhưng có một điều chắc chắn là không đúng luật. Bởi Điều 2 Luật Viên chức định nghĩa: Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Như vậy viên chức được hiểu là người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập, làm việc theo chế độ hợp đồng, được đơn vị sự nghiệp công lập ấy trả lương, nghĩa là “viên chức” và chế độ “hợp đồng làm việc” là gắn với nhau trong một nội hàm, không thể nói chuyển cái này sang cái kia được, cũng không thể nói thực hiện chế độ hợp đồng làm việc là thôi viên chức. Chủ trương này nếu thực hiện thì là cách làm tùy tiện, sai luật và chắc chắn sẽ gây tâm lý bất an, bức xúc trong xã hội, đặc biệt là gây hoang mang và có phần xúc phạm đội ngũ những người thầy và nghề dạy học đang rất cần được tôn vinh.
![]() Nguồn: ITN |
- Đúng là sau khi chủ trương trên được tuyên bố đã gây xáo trộn tâm lý trong đội ngũ giáo viên, nhất là ở những vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn...
- Nhà giáo là nhân tố quyết định bảo đảm chất lượng giáo dục, vì vậy cần có các chính sách với sự quan tâm đặc biệt dành cho đội ngũ này. Lao động sư phạm mang nhiều nét đặc thù, cần tạo sự ổn định, động lực để giáo viên yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không nên “hành chính hóa” đội ngũ nhà giáo.
Chủ trương chuyển cái này sang cái kia đang tạo ra cơn “sang chấn” nhiều nhất cho đội ngũ giáo viên là viên chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những người đang ngày đêm cần mẫn cống hiến hy sinh cho sự nghiệp giáo dục. Hơn lúc nào hết, chủ trương chính sách cụ thể đối với đối tượng này chỉ có thể đúng đắn và phù hợp yêu cầu thực tiễn khi phản ánh và triển khai thực hiện nghiêm túc Điều 82 của Luật Giáo dục về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đầu tư tập trung cho giáo dục quốc dân
- Chủ trương thực hiện chế độ hợp đồng với nhà giáo được lý giải sẽ giúp các trường tuyển được người giỏi, tạo động lực giáo viên cống hiến, nâng cao chất lượng giáo dục. Theo ông, cách lý giải đó có thuyết phục không?
“Các nhà giáo là viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập đang quá đông do số lượng trường công lập tăng nhanh những năm qua. Vì vậy, việc làm có tính đổi mới “căn bản và toàn diện” và cần làm ngay là sắp xếp lại theo hướng Nhà nước chỉ duy trì các trường công lập thực sự cần thiết. Nếu đại bộ phận các cơ sở giáo dục, đặc biệt là nhà trường của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đều là trường tư thục thì vấn đề “biên chế nhà nước” hay “viên chức” không còn gì nhiều để bàn nữa”. NGƯT.PGS.TS. Chu Hồng Thanh |
- Xét cho cùng các vấn đề đang gây bức xúc đều liên quan đến ngân sách. Các nước trên thế giới đều coi phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, và nguồn ngân sách được đầu tư tập trung phát triển hệ thống giáo dục quốc dân chứ không phải cho “giáo dục” chung chung. Vì thế hiệu quả đầu tư rất cao, thậm chí nhiều nước đã miễn học phí cho toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân. Ở nước ta, nguồn ngân sách 20% dành cho giáo dục là cao so với nhiều nước, nhưng do đầu tư phân tán nên người dạy và người học của hệ thống giáo dục quốc dân nói chung chưa thể toàn tâm toàn ý cho việc dạy và học. Nếu nâng ngân sách cho giáo dục lên nữa, thậm chí 30%, 40%... nhưng cách thức đầu tư như ở Việt Nam hiện nay thì bao nhiêu cũng không đủ, chất lượng giáo dục vẫn là bài toán nan giải.
- Thực tế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên của các nước được thực hiện ra sao, thưa ông?
- Chính sách đối với nhà giáo ở phần lớn các nước tiên tiến đều hướng vào việc tôn vinh nhà giáo, có chính sách, tạo điều kiện tốt nhất để nhà giáo hành nghề, đặc biệt là tạo cơ hội đồng đều cho các nhà giáo yên tâm với nghề dạy học và nâng cao khả năng sư phạm, khả năng trí tuệ sáng tạo. Nhà giáo trong đơn vị sự nghiệp công lập là viên chức nhưng số lượng rất hạn chế do số lượng trường công lập rất ít, không phải là gánh nặng cho ngân sách, không phải là con số “khổng lồ” như ở nước ta hiện nay. Hơn nữa nhiều nước từ lâu đã trả thù lao làm việc cho cả nhà giáo không phải là viên chức thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước. Ví dụ Nhà nước tuyên bố phổ cập đến đâu thì phải trả lương cho nhà giáo thực hiện nhiệm vụ phổ cập đến đấy, vì người học phổ cập không phải đóng học phí. Thậm chí một số gia đình đăng ký giáo dục phổ cập cho con em mình tại nhà mà không cần đến trường, sau khi được thẩm định điều kiện thì Nhà nước cấp kinh phí giáo dục phổ cập hàng năm cho gia đình để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.
Với quan niệm ngân sách dùng để lo cho giáo dục quốc dân chứ không chỉ lo riêng cho khu vực công lập, phần lớn các nước tiên tiến đều không vướng vào tư duy cố hữu về biên chế hay không biên chế, viên chức hay không viên chức.
- Xin cảm ơn ông!