Xem - nghe - đọc

Tom Cruise trở lại

Ngôi sao phim hành động Tom Cruise trở lại ấn tượng với phần 6 thuộc series nổi tiếng “Mission: Impossible” (Nhiệm vụ bất khả thi) mang tên “Fallout” (Sụp đổ) - Bộ phim “bom tấn” cuối cùng trong mùa phim hè 2018, ra rạp từ 27.7. Lại thêm một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp đồ sộ của nam tài tử phim hành động, chuyên tự đóng các pha mạo hiểm, thay vì cậy đến diễn viên đóng thế.

Nhìn vào danh sách năm phim ăn khách nhất năm 2018 tính tới thời điểm này (Infinity War, Black Panther, Jurassic World: The Fallen Kingdom, Incredibles 2 và Deadpool 2), ta thấy một điểm chung: Tất cả đều là những phim thuộc một franchise (nhượng quyền thương hiệu) hoặc thương hiệu rộng lớn nào đó. Phân tích kỹ hơn thì có tới bốn phim siêu anh hùng. Đó là thời đại mà chúng ta đang sống: Những hãng phim lớn và những franchise, những “vũ trụ điện ảnh” như Marvel Cinematic Universe hay Fast&Furious... là thương hiệu để kéo khán giả tới rạp, trong khi những ngôi sao điện ảnh - dù vẫn quan trọng - không còn là yếu tố tiên quyết để hút khách nữa.

Disney có thể giao vai Hulk của Edward Norton cho Mark Ruffalo, sa thải linh hồn của “Guardians of the Galaxy” James Gunn bởi họ không phải là bất khả xâm phạm. Về mặt cá nhân, Samuel L. Jackson đang là nam diễn viên sinh lời nhất mọi thời đại theo thống kê phòng vé, với 12 tỷ USD trên toàn cầu và hơn 5,1 tỷ USD tại Mỹ thu về được từ những phim ông tham gia. Nhưng với tất cả sự tôn trọng dành cho Jackson, những phim sinh lời nhất sự nghiệp của ông lại không phải những phim ông đóng chính. Vai Nick Furry trong loạt phim Marvel Cinematic Universe giúp bảng thống kê phòng vé của ông cao chót vót vẫn hoàn toàn có thể được giao cho một người khác mà không ảnh hưởng tới doanh thu cuối cùng của phim.

Vậy nên mới thấy những trường hợp như Leonardo DiCaprio hay đặc biệt là Tom Cruise đang đứng trước bờ vực... tuyệt chủng ra sao. Họ thuộc túyp siêu sao điện ảnh cổ điển, tức là những diễn viên mà cái tên riêng đã đủ làm bảo chứng cho thành công của bộ phim. Cruise là trường hợp đặc biệt. Nam tài tử sinh năm 1962 này nổi lên với “Risky Busines” (1983) - một tác phẩm hài dành cho tuổi teen được đánh giá là hay bậc nhất năm 1983. Với kinh phí vỏn vẹn 6 triệu USD, Risky Business đã đạt doanh thu cao tới gấp 10 lần, được xếp vào hàng phim kinh điển của tuổi trẻ và khiến tên tuổi Cruise bắt đầu được chú ý tới. 

Khi mà ngay cả chiếc kính đen Ray - Ban anh đeo còn tạo nên cơn sốt thì việc khuôn mặt điển trai có nét baby của Cruise được các đạo diễn để ý cũng không có gì lạ. Sau bước đột phá trên ba năm, Cruise chính thức trở thành một siêu sao với bộ phim hành động nổi tiếng Top Gun. Trong vai chàng phi công trẻ hào hoa Maverick, Tom đã chinh phục khán giả toàn cầu khi bom tấn này thu về tới tận 356 triệu USD, trở thành một trong những bộ phim sinh lời nhất thập niên 80.

Kể từ đó tới nay đã hơn 30 năm, và tổng doanh thu các phim mà Tom Cruise góp mặt đã lên tới 9,3 tỷ USD. Anh chưa từng có phim nào chạm mốc 1 tỷ USD - điều mà những Robert Downey Jr. hay Vin Diesel có thể dễ dàng đạt được với hai series MCU và Fast&Furious. Phim có doanh thu cao nhất của Cruise là Mission: Impossible - Ghost Protocol (694,7 triệu USD). Nhưng đổi lại, chỉ có 3 phim của Tom Cruise tham gia có doanh thu dưới 100 triệu USD kể từ đầu sự nghiệp tới nay. Tính trung bình, mỗi phim của Cruise đạt doanh thu 265 triệu USD - con số đáng mơ ước kể cả trong thời điểm hiện tại.

Điều gì làm nên thành công của Cruise? Trước tiên là sự thông minh trong lựa chọn kịch bản. Ngoài “Mission: Impossible” (Điệp vụ bất khả thi) đã trở thành thương hiệu, hãy thử điểm qua một số phim khác trong sự nghiệp của Tom Cruise: Rain Man, Magnolia (tâm lý), Jerry Maguire (tình cảm - hài), Minority Report, Edge of Tomorrow, War of the Worlds (Khoa học viễn tưởng), Rock of Ages (Ca nhạc), Born on the Fourth of July, A Few Good Men, Valkyrie (Chiến tranh)... Những lựa chọn của Cruise cực kỳ đa dạng, không hề bị bó buộc vào một thể loại cố định. Tài tử Dwayne Johnson hiện tại đang rất thành công, nhưng chẳng mấy chốc phong cách “người hùng cơ bắp cứu cả thế giới” của anh sẽ dần khiến khán giả phát ngấy nếu không có sự thay đổi. 

Trong hầu hết các bộ phim Tom Cruise từng tham gia, hiếm tác phẩm nào ở mức thảm họa. Chính vì lẽ đó, khi “The Mummy” nhận nhiều lời chỉ trích về chất lượng khi ra mắt năm 2017, một trong những câu than phiền nhiều nhất từ phía khán giả là: “Tại sao Tom Cruise lại chấp nhận đóng phim này?”. Với đại đa số khán giả đại chúng, Tom Cruise vẫn là một cái tên bảo đảm cho chất lượng và sự giải trí cho tác phẩm.

Những ác cảm của dư luận về sự gắn bó của Tom Cruise với giáo phái Scientology hay cách biểu cảm quá lố về mối quan hệ với Katie Holmes trên chương trình của Oprah năm nào khiến hình ảnh đời tư của tài tử này bị sứt mẻ. Trong thực tế, Cruise là một trong những ngôi sao thân thiện nhất với người hâm mộ. Theo chia sẻ của anh Ngọc Minh Nguyên - người từng cùng đoàn Việt Nam dự sự kiện thảm đỏ của phim Oblivion năm 2013 - Tom Cruise là một người “siêu nhiệt tình với fan và truyền thông. Anh đi thảm đỏ hết hơn tiếng, giao lưu và ký hết cho đám đông chứ hầu như không bỏ qua ai cả”. Theo báo giới Hollywood, Cruise sẵn sàng dành hàng giờ đồng hồ trên thảm đỏ trong mỗi sự kiện ra mắt phim để giao lưu và chụp ảnh cùng người hâm mộ. Một câu chuyện nổi tiếng về Cruise là anh từng giúp đỡ một nạn nhân bị tai nạn tại đại lộ Santa Monica vào năm 2000 bằng cách đưa cô đi cấp cứu và trả toàn bộ viện phí 7.000 USD.

 “Khi bạn thấy điệp viên Ethan Hunt đu người bên ngoài tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa trong “Ghost Protocol”, bám theo máy bay đang cất cánh trong “Rogue Nation” hay nhảy dù từ độ cao 25.000 feet, lái máy bay trực thăng trong “Fallout”..., hãy nhớ rằng đó là những cảnh Tom Cruise tự - mình - thực - hiện”

Dù thích hay không thích Tom Cruise, khó có thể phủ nhận sự chuyên nghiệp của anh. Ngôi sao này từng mắc hội chứng dyslexia (khó đọc) khiến anh phải nghe kịch bản qua băng cassette, song vẫn vươn lên tới đỉnh cao Hollywood và trụ lại ở đó suốt hơn ba thập kỷ. Để đem lại cảm giác chân thực nhất cho từng cảnh quay, Tom Cruise luôn cố gắng thực hiện các pha hành động mạo hiểm. Mà với loạt phim “Mission: Impossible”, số lượng các cảnh quay này là... không đếm xuể. 

Khi bạn thấy điệp viên Ethan Hunt đu người bên ngoài tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa trong “Ghost Protocol”, bám theo máy bay đang cất cánh trong “Rogue Nation” hay nhảy dù từ độ cao 25.000 feet, lái máy bay trực thăng trong “Fallout”..., hãy nhớ rằng đó là những cảnh Tom Cruise tự - mình - thực - hiện. Anh có thể vô duyên với giải Oscar, nhưng nếu có một giải tương tự dành cho những diễn viên đóng thế, Cruise hoàn toàn xứng đáng đứng lên bục vinh quang. 

Nếu một ngôi sao đủ tiềm lực để làm nhà sản xuất cho một bom tấn cỡ “Mission: Impossible”, người đó nhiều khả năng sẽ không muốn mạo hiểm nhan sắc và thậm chí tính mạng của bản thân cho những cảnh có thể sử dụng diễn viên đóng thế. Nhưng Cruise là ngoại lệ, khi anh muốn hạn chế tối đa việc sử dụng kỹ xảo hay người thay thế. Khi xem “Mission: Impossible - Fallout”, bạn sẽ thấy có cảnh Ethan Hunt va đập rất mạnh sau một cú nhảy và cố đi cà nhắc.

Đó thực sự là một tai nạn và khiến Tom Cruise mất bảy tháng để phục hồi, như anh chia sẻ trên chương trình The Graham Norton Show: “Đáng lẽ tôi phải bám vào thành tường và trèo lên, nhưng chân tôi lại va vào tường ngoài dự kiến. Tôi biết ngay cổ chân mình đã gãy nhưng không muốn diễn lại cảnh đó nên cố đứng dậy và diễn tiếp. Sau khi hoàn thành, tôi mới bảo mọi người rằng chân mình đã gãy và cần tới bệnh viện ngay”.

Không ngôi sao hạng A nào cũng dám làm những điều mà Tom Cruise đã và đang làm. Như trang IndieWire nhận định: “Anh ấy là Tom Cruise bởi không ai sẵn sàng để làm, hoặc là Tom Cruise để không ai phải làm như anh ấy”. Một siêu sao sẵn sàng đặt những thách thức cho bản thân vượt qua bản mô tả công việc để đem lại sự giải trí cho khán giả. Tom Cruise có thể là “Người Samurai cuối cùng”, nhưng đừng nên là “Siêu sao điện ảnh cuối cùng”. 

Bởi Hollywood luôn cần những siêu sao đúng nghĩa như Cruise.

Văn hóa

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”
Văn hóa - Thể thao

Biến di sản thành “kho vàng, kho bạc”

Chứa đựng những giá trị tinh thần sâu sắc của dân tộc, di sản văn hóa phi vật thể dù không có hình hài cụ thể, nhưng lại có thể được chuyển hóa thành tài sản vật chất, thành “kho vàng, kho bạc”. Khi được khai thác, di sản văn hóa phi vật thể sẽ trở thành cảm hứng sáng tạo nên sản phẩm công nghiệp văn hóa.

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk
Văn hóa - Thể thao

Chiêm ngưỡng “Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” - bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk

Sáng 22.11, tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22.11.1904 - 22.11.2024); 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22.12.1989 - 22.12.2024).

Hình ảnh tại triển lãm 3D. ảnh: TTLTI
Văn hóa - Thể thao

Lịch sử Kiên Giang qua hình ảnh và tài liệu lưu trữ

Với hơn 200 tài liệu, bản đồ lần đầu tiên được công bố, triển lãm 3D trực tuyến “Giới thiệu hình ảnh, tài liệu lưu trữ về địa giới hành chính tỉnh Kiên Giang xưa và nay” nhằm lan tỏa giá trị của tài liệu lưu trữ, tạo thuận lợi cho người xem dễ dàng tiếp cận thông tin về địa giới hành chính Kiên Giang qua các thời kỳ.

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa
Văn hóa - Thể thao

Khi sắc màu và cảm xúc thăng hoa

Triển lãm "Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở" quy tụ các nghệ sĩ: Nguyễn Phương, Minh Đàm, Thanh Hà, Đình Đức, Phương Thảo và Đức Tiến. Đây là không gian để công chúng chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh tế và độc đáo của nghệ thuật màu nước.

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa
Địa phương

Xây dựng nền “văn hóa Hòa Bình” mãi trường tồn, lan tỏa

Nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình”, tỉnh Hòa Bình xác định, phát triển văn hóa sẽ là một trong 5 đột phá chiến lược và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, giúp di sản mãi trường tồn và lan tỏa. Từ đó, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chuyện làng, chuyện phố
Văn hóa

Chuyện làng, chuyện phố

Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 với chủ đề Chuyện làng, chuyện phố sẽ được Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vào ngày 22 - 23.11.

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật
Văn hóa - Thể thao

Kết nối và mở rộng mạng lưới mỹ thuật

Hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ thiên về tính cá nhân nhưng cũng rất cần môi trường để cập nhật thông tin, giao lưu sáng tác... Các sự kiện kết nối quốc tế không chỉ tạo cơ hội cho nghệ sĩ trong và ngoài nước được gặp gỡ, học hỏi mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao
Văn hóa

Tôn vinh truyền thống hiếu học, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao

Mỗi dịp 20.11, ngày Nhà giáo Việt Nam, ký ức tuổi thơ của tôi lại tràn về với hình ảnh của bố tôi - một người thầy được học trò yêu quý và kính trọng. Những bó hoa tươi thắm, những món quà nhỏ tuy giản dị nhưng đong đầy tình cảm học trò dành tặng thầy, cùng không khí rộn rã của lớp học với lũ học trò "nhất quỷ nhì ma" in sâu trong tâm trí của tôi. Bố tôi vẫn thường nói, nghề giáo không chỉ là dạy chữ, mà là vun đắp tâm hồn, truyền đạt những giá trị làm người, và kết nối với học trò ở những cảm xúc sâu sắc nhất; tôi rất xúc động khi thấy, sau 30 - 40 năm, vẫn có những học trò vượt hàng trăm cây số, quay lại thăm thầy cũ để hàn huyên đủ chuyện - từ gia đình, công việc cho đến những hoài niệm về thời đi học. Những cuộc trò chuyện như thế vượt lên trên mối quan hệ thầy trò thông thường, gắn bó như cha với con, tạo nên một tình nghĩa khó phai mờ.