Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) mạnh nhất trên Biển Đông trong 30 năm qua đã ảnh hưởng nặng nề tới nước ta. Siêu bão làm hàng trăm người chết, mất tích; thiệt hại về tài sản khoảng 61 nghìn tỷ đồng, và theo số liệu cập nhật gần đây nhất là 81,5 nghìn tỷ đồng, khiến GDP cả nước năm 2024 có thể giảm 0,15%.
Sau bão số 3, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng bị ảnh hưởng, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tổng hợp báo cáo của toàn bộ 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ và 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết, tính đến ngày 7.10, tổng số tiền ước tính thiệt hại và chi trả quyền lợi bảo hiểm do cơn bão số 3 và lũ lụt gây ra đã lên tới khoảng 11.627 tỷ đồng.
Cụ thể, trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, các doanh nghiệp đã ghi nhận 73 trường hợp tử vong và thương tật thuộc phạm vi bảo hiểm, với tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm ước tính khoảng 19,8 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tiếp nhận tổng cộng 13.847 thông báo về các thiệt hại bao gồm bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe, với tổng giá trị thiệt hại ước tính lên tới hơn 11.607 tỷ đồng.
Đây là một trong những đợt bồi thường thiệt hại lớn nhất trong những năm gần đây do hậu quả từ thiên tai. Điều này một lần nữa chứng tỏ bảo hiểm thực sự là một giải pháp phòng ngừa rủi ro hữu hiệu, giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt khó khăn và sớm phục hồi sau khi gặp phải những rủi ro; qua đó đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tọa đàm "Bảo hiểm – Giải pháp phòng ngừa rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, đại diện Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp bảo hiểm…,
Các diễn giả sẽ thảo luận về vai trò của ngành bảo hiểm; các khó khăn, thách thức doanh nghiệp bảo hiểm đang phải đối mặt, đặc biệt liên quan đến những vướng mắc pháp lý về kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance); đồng thời đề xuất giải pháp để thị trường bảo hiểm phát triển hiệu quả và làm tốt nữa vai trò lá chắn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế trước những rủi ro.