Hội thi được tổ chức nhằm tăng cường giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên trong trường học.
Hội thi còn là hoạt động thiết thực, thực hiện Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18.5.2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện Chỉ thị số 42 - CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ, giai đoạn 2015-2030”.
Hội thi được chia làm 2 bảng: Bảng A (bảng cá nhân) dành cho sinh viên Việt Nam ở trong và ngoài nước (không bao gồm sinh viên theo học các ngành Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng, Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Chính trị học) và Bảng B (bảng đội tuyển): Câu lạc bộ lý luận trẻ trong các trường đại học, học viện, cao đẳng ở trong nước.
Mỗi câu lạc bộ thành lập 1 đội tuyển gồm 5 thành viên (thành viên tham gia đội thi là thành viên Câu lạc bộ và đang là sinh viên Việt Nam đang học tập tại các trường đại học, học viện, cao đẳng ở trong nước).
Nội dung thi gồm: Kiến thức về triết học, kinh tế chính trị; triết học, kinh tế chính trị Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh; hiểu biết về sự nghiệp của các lãnh tụ cách mạng, danh nhân, phong trào công nhân trong và ngoài nước; vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận chính trị trong thực tiễn…
Bên cạnh đó, thí sinh thể hiện kiến thức về: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chương trình hành động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021-2030…
Các thí sinh sẽ trải qua 4 vòng thi: Vòng thi trực tuyến theo hình thức trắc nghiệm trên ứng dụng Sinh viên Việt Nam; vòng thi cấp tỉnh; vòng thi cấp cụm và vòng thi chung kết toàn quốc vào cuối tháng 8.2023 theo hình thức sân khấu hóa.
Cơ cấu giải thưởng cho Bảng A gồm Giải thưởng tuần: Giấy chứng nhận tham gia Hội thi của Ban Tổ chức kèm 1 giải Nhất trị giá 3.000.000 đồng; 1 giải Nhì trị giá 2.000.000 đồng; 1 giải Ba trị giá 1.000.000 đồng; Giải cấp tỉnh do các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc chủ động có hình thức khen thưởng.
Giải toàn quốc gồm bằng khen cấp bộ, 1 giải Nhất có giá trị 15.000.000 đồng và được chọn tham gia Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tại huyện đảo Trường Sa năm 2024; 1 giải Nhì trị giá 10.000.000 đồng; 1 giải Ba 5.000.000 đồng.
Bảng B ở cấp tỉnh do các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc chủ động khen thưởng. Giải toàn quốc gồm Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, 1 giải Nhất trị giá 20.000.000 đồng; các thành viên được chọn tham gia Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương tại huyện đảo Trường Sa năm 2024; 1 giải Nhì trị giá 15.000.000 đồng; 1 giải Ba trị giá 10.000.000 đồng; 1 giải Khuyến khích trị giá 5.000.000 đồng.
Giải dành cho cơ sở Đoàn sẽ gồm: Cấp trường: Đoàn trường có số lượng sinh viên thi cao nhất: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và 5.000.000 đồng;
Cấp tỉnh: Đoàn cấp tỉnh có tỷ lệ sinh viên tham gia phần thi cá nhân cao nhất: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và tiền mặt trị giá 10.000.000 đồng (chỉ xét đối với tỉnh, thành phố có từ 1.000 sinh viên trở lên); Đoàn cấp tỉnh có số lượng sinh viên tham gia phần thi cá nhân cao nhất: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và tiền mặt trị giá 5.000.000 đồng;
Đoàn cấp tỉnh có số lượng câu lạc bộ lý luận trẻ tham gia thi cao nhất: Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn và tiền mặt trị giá 10.000.000 đồng.
Các đơn vị tham gia tốt hội thi và tổ chức tốt hội thi tại cơ sở, các hoạt động hưởng ứng được Ban Tổ chức đề xuất tặng Bằng khen của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.