Theo ghi nhận, phần lớn trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập, tư thục đều tổ chức ăn sáng, ăn trưa, ăn xế cho trẻ ngay tại phòng học. Giáo viên sẽ kê bàn ghế thành khu vực ăn, sau khi trẻ ăn xong lại lau chùi, dọn dẹp để có chỗ học tập, vui chơi.
Theo đại diện Phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, khi ăn tại phòng học, một ngày giáo viên sẽ phải khiêng bàn ghế sắp xếp chỗ ăn ít nhất 6 lượt. Điều này khiến giáo viên tốn thời gian, công sức. Bên cạnh đó, thức ăn khi rơi vãi xuống sàn nhà còn phải lau dọn. Chưa kể, khi cho trẻ ăn giáo viên rất áp lực, nếu không kiểm soát cảm xúc tốt dễ gây ra sự việc không hay.
Đối với bậc học mầm non, giờ ăn, giờ ngủ rất quan trọng. Do đó, sau quá trình đi học tập, nghiên cứu các mô hình ở nước ngoài, TP. Hồ Chí Minh đang tính toán tổ chức giờ ăn tập trung cho trẻ.
Khi ăn tập trung tại sảnh lớn, giáo viên tiết kiệm được công sức, thời gian lau dọn. Trẻ có thời gian di chuyển từ phòng học ra khu vực ăn và ngược lại, tăng cường vận động giúp trẻ tiêu hoá tốt hơn.
Hơn nữa, khi trẻ ăn tập trung trong môi trường tập thể, nhiều người cùng giám sát, giáo viên sẽ biết kiềm chế cảm xúc. Cùng với đó, sự hỗ trợ lẫn nhau của các đồng nghiệp xung quanh khi cùng chăm sóc các trẻ ăn chậm, khó ăn... cũng giúp giảm áp lực cho giáo viên.
Mặt khác, khi ăn tập trung, nhân viên nhà bếp sẽ quan sát được các trẻ. Từ đó có thể biết được món nào trẻ thích, món nào trẻ ít ăn để điều chỉnh cho phù hợp.
Đặc biệt, với giờ ăn tập trung, ban giám hiệu và các thành phần có liên quan đều cùng tham gia. Từ đó hạn chế được các tình huống không hay xảy ra trong giờ ăn, giúp trẻ có giờ ăn ngon, an toàn.
Hiện nay, mô hình giờ ăn tập trung cho trẻ mầm non đã có một số trường tự tổ chức. Năm học 2024-2025 ngành giáo dục sẽ triển khai chuyên nghiệp hơn, các trường sẽ được tham quan mô hình mẫu tại một trường đã thực hiện để học hỏi kinh nghiệm.