“Chưa thấy nơi đâu thân thiện như ở Việt Nam”
Chị Anita Mouansavath sinh năm 1987, công tác tại Vụ Truyền thông thuộc Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội Lào. Đầu năm 2023, chị cùng 11 cán bộ khác tại Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội Lào được cử tới Việt Nam tham gia khoá bồi dưỡng tiếng Việt ngắn hạn. Khoá học kéo dài 6 tháng, từ ngày 1.2 tới ngày 31.7.
Chị Anita tâm sự, trước đó, chị đã đến Việt Nam một số lần qua những chuyến công tác. Do chỉ là những chuyến đi ngắn ngày, chị Anita chưa có nhiều cơ hội để hiểu rõ về cuộc sống cũng như con người tại Việt Nam.
“Những ngày đầu tới Việt Nam du học, tôi khá lo lắng. Tôi không rõ cuộc sống của mình tại nơi đây sẽ thế nào, mọi người nghĩ gì về người Lào. Tôi cũng chưa biết nhiều về tiếng Việt, phát âm không rõ nên càng lo lắng”, nữ cán bộ nhớ lại.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sống tại dải đất hình chữ S, chị Anita đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ và thích nghi được với cuộc sống tại Việt Nam.
“Khi tôi đi tới bất cứ nơi nào ở Hà Nội và nói rằng mình là người Lào, các bạn người Việt đều rất vui vẻ, thân thiện. Nhiều lần vào quán cafe, tôi được chủ quán miễn phí đồ uống. Anh ấy nói với tôi rằng hai nước Việt - Lào như gia đình nên miễn phí đồ uống. Tôi thực sự rất xúc động, vui mừng. Dù đã đi công tác nhiều nước, nhưng chưa thấy nơi đâu thân thiện như ở Việt Nam”, chị Anita Mouansavath kể.
Tại Việt Nam, chị Anita Mouansavath cùng các cán bộ Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội Lào theo học tiếng Việt tại Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội. Chị chia sẻ, việc học ban đầu rất khó khăn, nhất là ở phần phát âm, làm quen với thanh điệu.
Các thầy cô tại Trường Đại học Hà Nội đã rất nhiệt tình hỗ trợ, giải thích các từ mới tiếng Việt bằng chính tiếng Việt để học viên hiểu rõ nghĩa của từ này là gì, cách sử dụng ra sao.
“Không chỉ hướng dẫn trên lớp, các cô còn nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi ở ngoài lớp học. Hàng ngày, cô rủ đi ăn uống, cùng trò chuyện để chúng tôi học thêm từ mới. Mỗi lần gặp vấn đề gì khó khăn, kể cả trong học tập lẫn cuộc sống, chúng tôi cũng đều nhận được sự giúp đỡ. Rồi cô giáo cũng mời chúng tôi về thăm nhà, nấu các món ăn Việt Nam và giới thiệu về ẩm thực Việt cho chúng tôi”, chị Anita rạng rỡ kể.
Chỉ chưa đầy 6 tháng, từ một người không thể nghe hiểu tiếng Việt, chị Anita đã có thể giao tiếp thành thạo với người Việt Nam.
Nữ cán bộ tâm sự, ngoài sự hỗ trợ của thầy cô, một trong những bí quyết giúp chị học tốt tiếng Việt là khám phá, trải nghiệm cuộc sống đời thường của người dân bản địa.
Sau khi kết thúc giờ học trên trường vào buổi sáng, tới buổi chiều, chị Anita thường đi bộ rong ruổi khắp các vỉa hè tại Hà Nội, đi uống trà đá như người Việt và trò chuyện với người bán hàng để vừa luyện tập tiếng Việt, vừa tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống ở Việt Nam. Thói quen này đã giúp khả năng tiếng Việt của chị Anita tăng lên nhanh chóng.
“Việc đi lại trên vỉa hè, lắng nghe người Việt nói chuyện trở thành công việc mỗi ngày tôi phải làm, là một phần của việc học”, chị Anita nói và chia sẻ, điều này giúp chị cảm thấy việc học không những không vất vả mà còn rất thú vị.
Việt Nam là quê hương thứ hai
6 tháng ở Việt Nam, chị Anita Mouansavath đã có những chuyến đi tới các địa danh du lịch nổi tiếng tại Hà Nội hay Quảng Ninh, Nghệ An. Chị đặc biệt yêu thích hồ Hoàn Kiếm, bởi phong cảnh nơi đây rất đẹp và khu vực phố đi bộ có nhiều hoạt động vui chơi, có thể gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người Việt.
Về ẩm thực, chị Anita cho rằng các món ăn Việt Nam rất ngon và phong phú. "Những ngày đầu tiên tới đây, tôi lo rằng mình sẽ không hợp khẩu vị, nhưng càng nếm thử món ăn Việt thì càng yêu thích. Tôi thích bún thang, bún riêu, nem nướng, phở chiên, bánh tôm… Tôi cũng có thể ăn được bún đậu mắm tôm như người Việt và thấy rất thú vị”, chị Anita mỉm cười, nói. Nữ học viên cũng cho biết, tới nay, chị đã có thể tự nấu được một số món ăn Việt Nam.
6 tháng ở Việt Nam, chị Anita Mouansavath đọc hiểu và giao tiếp tiếng Việt thành thạo. Chị cho biết, điều này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công việc biên dịch tại tờ báo Phouthanpaxaxon (thuộc Vụ Truyền thông, Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội Lào), nơi chị đang công tác.
“Trước đó, tôi thường biên dịch từ báo tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc tiếng Thái Lan sang tiếng Lào. Bây giờ tôi có thêm một ngôn ngữ nữa là tiếng Việt, để có thể dịch các tin tức từ báo chí Việt Nam sang tiếng Lào”, chị tâm sự.
Chị Anita Mouansavath có hai người con gái, bé lớn 12 tuổi, bé út 7 tuổi. Chị cho biết trong những ngày tháng du học tại Việt Nam vẫn thường xuyên gọi điện về nhà và dạy tiếng Việt cho con. Các cháu rất yêu thích Việt Nam, yêu tiếng Việt và đã có thể nói được những từ tiếng Việt cơ bản. Chị Anita mong muốn khi con trưởng thành cũng sẽ có cơ hội được sang Việt Nam du học.
“Tôi coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, bởi ở nơi đây tôi rất thoải mái, có các anh chị em, bạn bè yêu mến chúng tôi. Những ngày cuối của khoá học, sắp phải rời khỏi Việt Nam, tôi có cảm giác không nỡ rời xa, trái tim của tôi vẫn ở lại nơi này”, chị bày tỏ.
Chị Anita cũng tâm sự, ngay khi về nước đã giới thiệu ngay về đất nước Việt Nam xinh đẹp tới người thân, bạn bè, đặc biệt là tình cảm nồng hậu người dân Việt Nam dành cho người Lào. Chị dự định sẽ quay lại thăm Việt Nam sớm nhất có thể.
“Tôi xin chân thành cảm ơn Chính phủ Việt Nam, cảm ơn Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Trường Đại học Hà Nội đã cho chúng tôi cơ hội đến đây để học tập. 6 tháng ở đây, thời gian không dài nhưng cũng đủ để tôi cảm thấy yêu tiếng Việt, yêu đất nước và con người Việt Nam. Với tôi, người Việt Nam rất thân thiện như anh em cùng một gia đình. Chúng tôi cùng nhau học, cùng nhau tham gia các trải nghiệm, có thể nói 6 tháng là quãng thời gian không bao giờ quên. Tôi rất thích cuộc sống ở đây và không muốn về nữa.
Cuối cùng, tôi cảm ơn Văn phòng Quốc hội hai nước Lào - Việt; cảm ơn Trường Đại học Hà Nội và đặc biệt cảm ơn các cô giáo của chúng tôi. Tôi hy vọng ở trong tương lai, hai bông hoa xinh đẹp như hoa Chăm Pa và hoa sen sẽ gặp nhau nhiều lần nữa”, chị Anita Mouansavath chia sẻ.