Ngày 2.4, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.
Theo đó, tại bảng tổng hợp kết quả PAPI 2023 của các tỉnh, thành phố cho thấy: tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có chỉ số tổng hợp cao nhất với 46.0415 điểm, tiếp đến tỉnh Thái Nguyên (45,7875 điểm), Bắc Ninh (45,7057 điểm), Bạc Liêu (45,5784 điểm).
Đáng chú ý, năm nay tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bình Dương không được xếp hạng do kết quả khảo sát vượt quá giá trị sai số cho phép thống kê.
So với kết quả PAPI năm 2022, hai chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và chỉ số “Quản trị điện tử” đều có sự cải thiện, với chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (tăng nhẹ từ 6,71 điểm lên 6,77 điểm), chỉ số “Quản trị điện tử” tăng đáng kể từ 3,1 lên 3,28 điểm. Hai chỉ số “Nội dung cung ứng dịch vụ công” (tăng 7,55 điểm lên 7,57 điểm) và chỉ số “Quản trị môi trường” (tăng 3,38 điểm lên 3,39 điểm) với mức tăng không dao động… Tuy nhiên, 4 chỉ số còn lại có sự suy giảm gồm: chỉ số “Tham gia người dân ở cấp cơ sở” (giảm 5,05 điểm xuống 4,9 điểm), chỉ số “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương” (giảm 5,28 điểm xuống 5,16 điểm), chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” (giảm 4,3 điểm xuống 4,24 điểm), chỉ số “Thủ tục hành chính công” (giảm từ 7,23 điểm xuống 7,17 điểm).
Khoảng cách hiệu quả quản trị và hành chính công giữa các tỉnh, thành phố có xu hướng thu hẹp. Mức chênh lệnh điểm chỉ số PAPI 2023 tổng hợp giữa điểm thấp thấp nhất (38,97 điểm) và điểm cao nhất (46.04 điểm) là khoảng 7.07 điểm, nhỏ hơn khoảng cách của chỉ số PAPI 2021 (9,07 điểm) và PAPI 2022 (10.84 điểm).
Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương, Công ty Phân tích Thời gian thực và UNDP tại Việt Nam.
Phát biểu tại lễ công bố, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi cho biết: Báo cáo PAPI 2023 trình bày kết quả ý kiến phản hồi từ 19.536 người tham gia khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh, thành phố. Đây con số kỷ lục trong 15 năm thực hiện khảo sát PAPI. Năm 2023, nhóm nghiên cứu đã chọn lại dàn mẫu khảo sát từ cấp huyện, xã, thôn và người trả lời bằng cách sử dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng, xác suất theo quy mô dân số và ngẫu nhiên. Bên cạnh đó, nghiên cứu đã lồng ghép thu thập thông tin phản hồi từ công dân tạm trú ở 11 tỉnh, thành phố có tỷ suất di cư thuần dương (bao gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh…) được xác định dựa trên kết quả về di cư nội địa của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Từ năm 2023, nghiên cứu lấy mẫu công dân tạm trú ở Bắc Giang thay Lai Châu do lượng dân nhập cư vào Bắc Giang gia tăng và Lai Châu giảm mạnh.
Bộ câu hỏi PAPI 2023 (gồm hơn 500 câu hỏi) được hoàn thiện và lập trình, công tác thu thập dữ liệu được chính thức thực hiện từ 18.8 đến ngày 28.11.2023. Tất cả câu hỏi đều phản ánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân năm 2023. Bên cạnh các câu hỏi theo chủ điểm về quản trị đất đai, thực hiện dân chủ ở cơ sở và tiếp cận dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra nhóm nghiên cứu cũng áp dụng một số câu hỏi và biện pháp kiểm chứng việc can thiệp của chính quyền tới người dân trả lời khảo sát, từ đó sàng lọc những dữ liệu không đáng tin cậy…
“Chương trình nghiên cứu chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền. Báo cáo PAPI 2023 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công”- bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.