“‘Trại hoa vàng’ nói về khám phá bản thân, lựa chọn nghề nghiệp, lựa chọn hướng đi của các bạn trẻ lứa tuổi mới lớn. Khi biết đó là sở thích, khao khát thực sự thì phải đặt niềm tin vào đó, xây dựng niềm tin ấy một cách vững chắc và theo đuổi nó”.
NSƯT Ánh Tuyết
Hướng đến lứa tuổi mới lớn
- Tại sao chị quyết định chọn truyện dài “Trại hoa vàng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh để dựng vở diễn đầu tay của mình?
- Tôi đã đọc rất nhiều truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhắc đến truyện nào là trong đầu tưởng tượng ra nhân vật, không gian, thời gian, cảnh trí… Tôi rất thích các câu chuyện của ông, mộng mơ, trong sáng, chẳng có gì đao to búa lớn, chỉ là những suy nghĩ của các cô bé, cậu bé mới lớn, nhưng chính những câu chuyện trẻ con ấy có khi lại là bài học cho người lớn chúng ta. Vì thế, khi có ý định dựng vở, tôi đã xác định là chọn một truyện của Nguyễn Nhật Ánh, hướng đến lứa tuổi mới lớn và lồng ghép thông điệp về hướng nghiệp, chọn nghề, theo đuổi đam mê. Ban đầu tôi lăn tăn truyện “Quán Gò đi lên”, định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, nhưng lại không có câu chuyện tình yêu lãng mạn trong một không gian đẹp, bay bổng như “Trại hoa vàng”.
- Làm thế nào để giải mã và đưa lên sân khấu trọn vẹn tinh thần của nguyên tác văn học?
- “Trại hoa vàng” như một bức tranh khắc họa thời thanh xuân với những chàng trai, cô gái mới lớn với tình bạn, tình yêu tuổi học trò trong sáng và tràn đầy mơ mộng. Tôi đặt ra yêu cầu với biên kịch Hoàng Trang là phải giữ nguyên tinh thần của Nguyễn Nhật Ánh, có thể lồng ghép câu chuyện niềm tin hoặc hướng nghiệp, thay đổi một chút nhưng không được làm mất đi cảm xúc trong tôi (khi đọc tác phẩm). Đây là yêu cầu không dễ, vì câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh đã xảy ra cách đây mấy chục năm, chúng tôi bàn đi, tính lại, cuối cùng chọn giải pháp phi không gian, phi thời gian. Vẫn là những nhân vật ấy nhưng cá tính, lời thoại phù hợp với giới trẻ hiện nay. Nhân vật Chuẩn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh hồn nhiên, trong sáng hơn, Chuẩn trong kịch dằn vặt, suy nghĩ nhiều hơn, nhận thức rõ hoàn cảnh và tự quyết định hướng đi cho bản thân. Hay nhân vật Cẩm Phô, ngày xưa không dám nói thẳng với Chuẩn là ‘tớ thích cậu’, nhưng bây giờ thì bạn ấy sẵn sàng làm như vậy, tức là mạnh mẽ hơn…

Kịch và nhạc bổ trợ cho nhau
- Lựa chọn chuyển thể tác phẩm của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Nhật Ánh, chị và êkíp có bị áp lực không, đơn giản như làm thế nào để đáp ứng kỳ vọng của những người đã yêu thích tác phẩm văn học này?
- Nếu là một đạo diễn lâu năm trong nghề thì chắc sẽ bị áp lực, nhưng tôi có lợi thế là đạo diễn trẻ, có quyền thử nghiệm, và tôi tin vào thử nghiệm của tôi. Giống như nhân vật Chuẩn trong “Trại hoa vàng” khi chọn hướng đi của mình đã rất tin vào hướng đi ấy, tôi cũng vậy. Thế mạnh của tôi là âm nhạc, tôi tin vào khả năng thẩm định âm nhạc của mình, cũng như những kiến thức học được về đạo diễn sân khấu, sẽ làm ra một tác phẩm như ý.
- Việc phát huy thế mạnh của chị - âm nhạc - trong vở diễn này như thế nào?
- “Trại hoa vàng” là sự kết hợp của ca nhạc, vũ kịch và kịch nói. Tôi lấy ý tưởng này từ bộ phim “A star is born”, lồng ghép các bài hát của Lady Gaga quá đỉnh, các bài hát được đưa vào đúng thời điểm, đúng hoàn cảnh, đúng cảm xúc. Tôi cũng muốn làm như thế với kịch, tạo nên sự bổ trợ cho nhau một cách thú vị, chính bài hát đẩy tình huống kịch lên và ngược lại tình huống kịch cũng đẩy cảm xúc của bài hát. Âm nhạc cũng là cầu nối ngắn nhất, hiệu quả nhất để đến với khán giả trẻ. Vì thế, những bài hát chọn đưa vào vở kịch đều nổi tiếng trên thị trường, được khán giả trẻ yêu thích.
- Thông thường diễn viên kịch thì chỉ biết diễn xuất, ca sĩ thì chỉ biết hát. Vở diễn này lại đòi hỏi diễn viên vừa diễn vừa hát vừa múa…
- Quả thực diễn viên khi tập vở này cực kỳ áp lực. Tôi yêu cầu diễn viên trước hết phải diễn hay, diễn đúng, ra được nhân vật, nhưng khi hát thì lại phải là ca sĩ thực sự, từ giọng hát đến ánh mắt, thái độ… Đây là cái rất khó. May mắn là diễn viên tham gia vở này, trong đó Quang Trọng vào vai nhân vật nam chính - Chuẩn - hát rất hay, xuất hiện trong hầu hết cảnh diễn; Yến My (vai Cẩm Phô) hát cũng tốt; một số ca sĩ thì nhập vai cũng tương đối ổn.
Khi casting (thử vai), đầu tiên các bạn ấy hoang mang, khi biết hình thức thể hiện khác bình thường thì các bạn ấy tò mò. Trao đổi kỹ hơn và nghiên cứu nhân vật, thì ai cũng hứng thú. Như Quang Trọng hay Hoàng Duka (vai Phú “ghẻ”) sẵn sàng bỏ những lời mời làm phim để tham gia vở diễn này.
- Sau hơn 3 tháng tập luyện, các diễn viên đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm yêu cầu của chị?
- Tôi nghĩ cũng phải đạt được 80% kỳ vọng của tôi. Thực ra chất lượng vở diễn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nếu như trang thiết bị kỹ thuật tốt hơn, thời gian luyện tập nhiều hơn, sự đầu tư lớn hơn, thì chắc chắn sẽ tốt hơn. Trong vở này, diễn viên kịch lần đầu tiên hát, ca sĩ thì lần đầu tiên diễn kịch, nên không thể tránh khỏi tâm lý áp lực, nhưng qua nhiều buổi diễn, nhất là khi được khán giả đón nhận, các bạn ấy sẽ tự tin hơn nhiều để thể hiện tốt nhất khả năng chuyên môn của mình.
- Xin cảm ơn chị!