Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Nếu tài sản trong các vụ án này không thu hồi được thì mục đích của việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mới chỉ đạt được một nửa. Việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng sẽ làm hạn chế hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tạo tâm lý coi thường pháp luật, làm cho dư luận bất bình.
Trong những năm qua, các cơ quan tố tụng nói chung và cơ quan THADS nói riêng đã thu hồi được tỉ lệ không nhỏ tài sản trong các vụ án hình sự, nhất là trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Giai đoạn 2013 - 2019, các cơ quan THADS đã thu hồi được trên 31,7 nghìn tỷ đồng; năm 2020, thu hồi được trên 15 nghìn tỷ đồng; năm 2022 đã thu được gần 16 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng cho thấy một số vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và thảo luận các khuyến nghị đối với Việt Nam...
Điều phối viên Chương trình Tăng cường hợp tác khu vực và nâng cao năng lực cho các nước ASEAN trong phòng, chống tham nhũng và các tội phạm nghiêm trọng khác, ông Huynwwon Kim cho biết, bất chấp những nỗ lực của các Chính phủ, tham nhũng hiện nay vẫn là một trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. Chương V Công ước Phòng, chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) đưa ra cơ sở pháp lý cho công tác thu hồi tài sản bị đánh cắp, đặt ra yêu cầu các quốc gia cần tiến hành các biện pháp nhằm phong toả, thu giữ, thu hồi và trả lại tài sản tham nhũng. Hơn nữa, thu hồi tài sản cũng được đề cập đến trong Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững, Mục tiêu số 16.4. Chu trình Đánh giá lần thứ hai của UNCAC coi thu hồi tài sản là một trong hai mục tiêu quan trọng cũng chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng thế giới đến chủ đề này.
Với mục tiêu thúc đẩy công tác thu hồi và trả lại tài sản bị đánh cắp như được đề cập đến trong Mục tiêu số 16.4, Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững và phù hợp với Chương V của UNCAC, UNODC đã hỗ trợ Bộ Tư pháp tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm hiểu các kinh nghiệm quốc tế về vấn đề thu hồi tài sản ở một số quốc gia nhằm đưa ra những khuyến nghị phù hợp, hỗ trợ quá trình sửa đổi pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
Được biết, Hàn Quốc - quốc gia tài trợ cho chương trình này của UNODC - có mối quan hệ gần gũi với các nước ASEAN và xác định rõ tầm quan trọng của hợp tác và tăng cường bộ máy phòng, chống tham nhũng trong khu vực. Hiện có rất nhiều hoạt động, sáng kiến trong lĩnh vực tư pháp hình sự giữa chính phủ Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Chính phủ Hàn Quốc đang hợp tác với các quốc gia ASEAN trong phòng, chống tham nhũng và các tội phạm nghiêm trọng, trong khuôn khổ Kế hoạch Hành Động ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022 và Cuộc họp Bộ trưởng ASEAN, Cuộc họp Quan chức Cấp cao ASEAN về Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia với Hàn Quốc (AMMTC-ROK, SOMTC-ROK). Hàn Quốc cũng có hiệp định song phương với Việt Nam về tương trợ tư pháp và dẫn độ; đã có nhiều vụ án được xử lý thanh công nhờ có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa hai nước.
Trong thời gian tới, UNODC và Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam và các bên liên quan nhằm đẩy mạnh thu hồi và trả lại tài sản bị đánh cắp (Mục tiêu 16.4, Các Mục tiêu Phát triển Bền vững) và giảm thiểu đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức (Mục tiêu 16.4, Các Mục tiêu Phát triển Bền vững) và thúc đẩy cơ hội bình đẳng và phát triển bền vững.