Thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ việc làm
Cục Việc làm nhận định, năm 2025 thị trường lao động được kỳ vọng có nhiều cơ hội để bứt phá, khi các thách thức vĩ mô như lạm phát và lãi suất cao ở các quốc gia bắt đầu ổn định; đồng thời, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, thị trường lao động có thể chịu ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là nguy cơ gia tăng tình trạng mất việc làm đối với lao động không có trình độ, dẫn đến thu nhập giảm sút…
Năm 2025, để phát triển thị trường lao động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó tập trung tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; chỉ đạo các đơn vị, địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường lao động trên toàn quốc, đặc biệt là tình hình thiếu hụt lao động tại các địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn để kịp thời có phương án, giải pháp cung ứng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Vấn đề được quan tâm là làm thế nào kết nối và điều tiết hiệu quả cung - cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường; thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ người lao động tham gia thị trường lao động.
Ngoài ra, cần thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, nâng cao hiệu quả cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, đồng thời chú trọng đến nhóm lao động thanh niên, lao động trung niên, lao động yếu thế và lao động nữ; thực hiện các giải pháp chính thức hóa việc làm phi chính thức, chuyển dịch nhanh lao động có việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức; chú trọng hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng biên.
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động, bao gồm cả số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề, nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Tính chung trong năm 2024, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,7 triệu đồng/tháng, tăng 8,6%, tương ứng tăng 610 nghìn đồng so với năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam là 8,7 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 6,5 triệu đồng/tháng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị là 9,3 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn là 6,7 triệu đồng/tháng.
Kinh doanh dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng
Dự báo về thị trường lao động trong năm 2025, bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group cho biết, ngay khi bước sang năm 2025, thị trường lao động đã ghi nhận sự thay đổi mạnh mẽ trong chiến lược tuyển dụng của các doanh nghiệp, với sự ưu tiên rõ rệt dành cho các bộ phận then chốt.
Theo bà Linh, khảo sát của Vietnamworks và Navigos Search cho thấy, bộ phận kinh doanh sẽ dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng, với gần 60% doanh nghiệp tập trung mở rộng đội ngũ này. Xu hướng này phản ánh tầm quan trọng của việc gia tăng doanh số và duy trì tăng trưởng bền vững.
Bên cạnh nhu cầu tuyển dụng cao về nhân sự kinh doanh, các vị trí tập trung vào trải nghiệm khách hàng cũng được doanh nghiệp chú trọng. Ngành sản xuất và dịch vụ khách hàng sẽ có nhu cầu nhân lực lớn, nhằm bảo đảm vừa phát triển sản phẩm vừa nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Đối với ngành sản xuất, bà Linh cho biết, ngành này sẽ tăng cường tuyển dụng nhân lực có tay nghề, chuyên môn cao trong các vị trí vận hành và sản xuất, phản ánh xu hướng tăng cường sản xuất nội địa và chuỗi cung ứng linh hoạt hơn.
Trong năm 2025, ngành dịch vụ khách hàng, bao gồm: Bán lẻ, khách sạn và viễn thông cũng hướng tới việc cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua chiến lược tuyển dụng. Ngoài ra, nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ thông tin (IT), marketing và truyền thông cũng trở thành lĩnh vực được đầu tư mạnh mẽ và cũng trở thành trọng tâm phát triển của nhiều doanh nghiệp.
Còn theo đánh giá của Cục Việc làm, năm 2025 sẽ là năm có nhiều kỳ vọng và cơ hội để bứt phá. Bởi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là địa điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học, công nghệ được đẩy mạnh, thị trường lao động sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Trước sự bùng nổ của công nghệ, các doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng lao động trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng tái tạo và chuyển đổi số. Những vị trí như lập trình viên, chuyên viên phân tích dữ liệu, kỹ sư an ninh mạng... tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu nhân lực.