Trong năm 2020, trên thế giới cũng như ở Việt Nam ghi nhận ung thư vú là bệnh có tỷ lệ mắc mới cao nhất, chiếm khoảng trên 25% tổng số ca mắc ung thư. Tại tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, số ca mắc và điều trị ung thư vú ngày một tăng, riêng năm 2022 ghi nhận gần 400 bệnh nhân điều trị ung thư vú liên tục tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên và khoảng 600-700 bệnh nhân chuyển lên tuyến trên để điều trị.
Về nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư vú, theo bác sĩ Nguyễn Viết Luân có 2 yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh gồm yếu tố nguy cơ nội sinh và yếu tố ngoại sinh. Về yếu tố nội sinh, xuất phát từ cơ địa của bệnh nhân, trong đó có khoảng 5-10% bệnh nhân mắc ung thư vú do di truyền, liên quan đột biến gene. Tuổi của bệnh nhân cũng là một trong yếu tố nguy cơ. Tuổi càng cao sẽ càng dễ mắc bệnh ung thư vú. Lứa tuổi từ 20-30 tuổi, tỷ lệ mắc ung thư vú thấp, bắt đầu trên 35 tuổi tỷ lệ mắc ung thư vú càng gia tăng và lứa tuổi từ 50-70 tuổi sẽ dễ mắc ung thư vú nhất.
Bên cạnh đó, các trường hợp bệnh nhân có kinh nguyệt sớm trước 12 tuổi hoặc mãn kinh trễ sau 55 tuổi sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 2 lần so với các trường hợp có kinh từ 15 tuổi trở lên hoặc mãn kinh sớm trước 45 tuổi. Mang thai và sinh con là một trong những yếu tố làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú. Những người có 1 con sẽ làm giảm khả năng mắc ung thư vú xuống 25% so với những người không có con. Béo phì, thường xuyên hút thuốc lá cũng làm gia tăng khả năng mắc bệnh. Đối với yếu tố ngoại sinh, một số trường hợp bệnh nhân từng xạ trị vùng ngực vì ung thư phổi, thực quản… cũng làm gia tăng nguy cơ ung thư vú.
Trường hợp chị T.T.C.V (49 tuổi, buôn Triết, huyện Lắk) là một bệnh nhân ung thư vú đã nhiều năm. Đang ngồi chờ tái khám sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến vú tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Chị V chia sẻ: “Vào năm 2019, trong một lần tắm, tôi thấy ở vú phải có một điểm hồng. Sau khi thấy dấu hiệu bất thường như vậy, tôi có đi khám và được chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu, kết quả phát hiện tôi bị ung thư vú giai đoạn 2, có 10 trên 20 hạch di căn. Tôi thu xếp công việc gia đình để nhập viện điều trị. Sau thời gian điều trị tình hình bệnh của tôi đã ổn định, tôi đỡ lo lắng hơn”.
Theo bác sĩ Nguyễn Viết Luân, Bệnh ung thư vú thường diễn tiến âm thầm, chỉ đến khi bệnh nhân xuất hiện các cơn đau vùng ngực chứa khối u, tiết dịch núm vú bất thường tại bên chứa khối u, loét ra, nhiễm trùng, biến dạng tuyến vú thì mới phát hiện mắc bệnh. Khi khối u phát triển xâm lấn và di căn hạch ở vùng nách, ở vùng hạ đòn, thượng đòn sẽ sờ thấy khối hạch cứng, chắc ở vùng nách, bẹn, cổ… Nếu di căn vào não sẽ có biểu hiện thần kinh như nôn ói, đau đầu, yếu liệt. Di căn vào xương sẽ gây đau nhức xương hoặc phổi gây khó thở, ho… Khi mắc ung thứ vú, bệnh nhân phải chịu đựng bệnh lý về ung thư gây đau đớn và nguy hiểm đến tính mạng nếu bệnh đã di căn qua các bộ phận khác.
Mặc dù gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng theo bác sĩ Luân, hiện nay với sự tiến bộ của khoa học, ung thư vú đã có các biện pháp điều trị mang lại hiệu quả cao như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Đặc biệt, các trường hợp phát hiện bệnh sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, điều bắt buộc là các bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị, tái khám định kỳ. “Đã có không ít bệnh nhân tự ý bỏ điều trị chuyển sang các bài thuốc dân gian, truyền miệng như đắp lá, uống các loại thuốc chưa được Bộ Y tế công nhận gây tốn kém, bỏ lỡ mất giai đoạn vàng điều trị bệnh, thậm chí còn bị suy thận hoặc các bệnh lý khác khiến việc điều trị thêm khó khăn, bệnh tình thêm nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người mắc bệnh”, bác sĩ Luân chia sẻ thêm.
Để phòng bệnh ung thư vú, bác sĩ Luân khuyến cáo phụ nữ không chỉ tầm soát, sàng lọc ở độ tuổi trên 40 mà nên tầm soát ở độ tuổi từ 20 trở lên. Vì hiện nay ung thư vú có xu hướng ngày càng trẻ hóa ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi, đặc biệt với những người có yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú cao thì nên tầm soát sớm như tiền sử bản thân mắc ung thư buồng trứng, ung thư phúc mạc hoặc tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư vú.
Ngoài việc đi khám định kỳ, chị em phụ nữ có thể tự khám và kiểm tra vú tại nhà. Việc tự khám vú mặc dù không thể xác định chính xác có phải bị ung thư vú hay không, tuy nhiên đó là hành động đầu tiên để phòng, chống ung thư vú. Thông qua đó, giúp chị em phụ nữ tự phát hiện những bất thường ở tuyến vú, có u, hạch hoặc mảng cứng bất thường và sau đó đến các cơ sở chuyên khoa khám, tư vấn và làm các xét nghiệm để xác định tổn thương lành tính hay ung thư để có hướng điều trị phù hợp.