Ngang nhiên vận chuyển số lượng lớn
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn còn rất phức tạp.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, đã phát hiện 1.067 vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu, trong đó có 800 vụ được xử lý. Đặc biệt, 3 vụ đã được chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra. Tổng số tiền phạt hành chính đối với các vi phạm này lên đến hơn 3,1 tỷ đồng, với giá trị hàng hóa vi phạm ước tính hơn 5,6 tỷ đồng.
Các cơ quan chức năng cũng đã thu giữ tổng cộng 23.931 bao thuốc lá lậu và hơn 4.000 sản phẩm khác, bao gồm thiết bị và tinh dầu thuốc lá điện tử.
Đặc biệt, những tháng cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ thuốc lá tăng cao, nạn buôn lậu thuốc lá qua biên giới càng nhức nhối, nhất là tại các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ. Các cơ quan chức năng đã bắt quả tang nhiều vụ vi phạm liên quan đến thuốc lá nhập lậu. Đáng chú ý, một số đối tượng buôn lậu rất manh động, sẵn sàng tấn công lực lượng chức năng khi bị bắt giữ để thoát thân
Thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán 2025 và các sự kiện lớn của đất nước trên địa bàn, ngày 18.12, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Công an TP. Sóc Trăng bắt quả tang đối tượng vận chuyển 25.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu.
Điển hình là vào ngày 30.9.2024, Cục Quản lý thị trường TP. Cần Thơ phát hiện một chiếc xe ô tô Toyota Innova với biển số giả đang có dấu hiệu vận chuyển hàng cấm tại xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Khi lực lượng chức năng tiếp cận, tài xế đã tông thẳng vào một cán bộ Quản lý thị trường đang thi hành công vụ để chạy thoát. Trên xe, lực lượng kiểm tra phát hiện hơn 6.000 bao thuốc lá lậu và nhiều biển số xe giả.
Cũng trong tháng 9.2024, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và môi trường, Công an tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Công an TP. Cao Lãnh kiểm tra một căn nhà tại địa chỉ 1376/2, Quốc lộ 30, phường 11, TP. Cao Lãnh. Tại đây, họ bắt quả tang đối tượng Nguyễn Hữu Tâm tàng trữ gần 9.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu.
Đáng chú ý, gần đây có nhiều vụ vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu với số lượng lớn đã bị phát hiện và xử lý. Điển hình là ngày 30.9.2024, lực lượng công an tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An bắt quả tang một chiếc xe tải vận chuyển hơn 60.000 bao thuốc lá ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Hoặc, ngày 19.11 vừa qua, Công an Tây Ninh phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng trong đường dây vận chuyển thuốc lá lậu từ Campuchia vào Việt Nam, thu giữ 50.000 gói thuốc lá các loại. Đây là nhóm vận chuyển thuốc lá lậu lớn nhất từ trước đến nay mà Công an Tây Ninh triệt xóa.
Mặc dù hình phạt cho các hành vi liên quan đến thuốc lá lậu rất nặng, nhưng biên độ lợi nhuận khủng nên tình trạng buôn lậu mặt hàng này liên tục tái diễn. Điều đáng lo ngại là thuốc lá giả các nhãn hiệu nổi tiếng được làm giả từ nước ngoài đưa vào Việt Nam tiêu thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh trong nước, thất thu thuế Nhà nước và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương) Thân Đức Công cho biết, bình quân mỗi năm, ngân sách Nhà nước thất thoát khoảng 10.000 tỷ đồng do buôn lậu thuốc lá gây ra.
Đa dạng giải pháp để ngăn chặn thuốc lá lậu
Thực tế này cho thấy, để ngăn chặn hiệu quả thuốc lá nhập lậu thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Theo Phó trưởng Phòng Hướng dẫn điều tra (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) Thượng tá Lê Thiện Thành nhấn mạnh, tình trạng buôn lậu và nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, cũng như nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc, vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Ông đề nghị sớm sửa đổi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, nhằm thiết lập các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình, chính sách thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa các mục tiêu của Chính phủ đặt ra cũng như hạn chế người dùng và hạn chế được nguy cơ thẩm lậu gây thiệt hại ngân sách Nhà nước do chênh lệch về giá quá cao.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, quan hệ giữa việc tăng thuế với thuốc lá nhập lậu là điểm “mù” rất khó xác định trong xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt. Thực tiễn các quốc gia cho thấy khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng sẽ làm gia tăng hàng nhập lậu đối với hầu hết các loại hàng hóa. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi nước mà mức gia tăng hàng nhập lậu có sự khác nhau. Đối với thuốc lá, điều này đã được chứng minh ở nhiều nước, điển hình là Úc, Malaysia, Indonesia, Philippines và một số nước Âu châu với lượng thuốc nhập lậu tăng gấp hơn 2 lần sau khi tăng thuế “sốc”.
Đại diện Hiệp hội này cho biết, trước đây, mỗi lần tăng mức thuế thêm 5% với độ giãn cách 3 năm mỗi lần thì giá thuốc lá trong nước tăng không nhiều và các doanh nghiệp trong nước có thời gian để điều chỉnh phương án ứng phó với thuốc lá nhập lậu (kể cả thuốc lá nhập lậu giá rẻ). Còn với mức tăng như mức dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất vừa qua thì chưa thể hình dung lượng thuốc lá nhập lậu tăng bao nhiêu lần.
“Nếu thuốc lá nhập lậu tăng “sốc” vì lợi thế rất lớn về giá khi trốn các loại thuế/phí thì liệu có đảm bảo được hai mục tiêu là giảm người hút và tăng thu ngân sách không”, đại diện Hiệp hội thuốc lá nêu vấn đề.
Phân tích mối liên hệ giữa việc tăng thuế và tăng thuốc lá lậu, ông Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, nhìn lại năm 2016, Việt Nam tăng thuế từ 65% lên 70% và cũng trong năm này, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ 6,8 triệu bao năm 2016 lên gần 7,5 triệu bao năm 2017.
Năm 2019, khi tăng thuế từ 70% lên 75%, số lượng thuốc lá lậu bị tiêu hủy tăng từ gần 1,4 triệu bao năm 2019 lên hơn 5,1 triệu bao năm 2020 và lên gần 6,6 triệu bao năm 2021.
Ông Dương khẳng định: tăng thuế không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tăng thuốc lậu. Tuy nhiên, nếu tăng thuế theo lộ trình phù hợp sẽ giảm đi một nguy cơ quan trọng gia tăng việc buôn bán bất hợp pháp sản phẩm thuốc lá.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải thực thi đồng thời các giải pháp khác để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thuốc lá lậu.
Cụ thể là tăng cường tuyên truyền giáo dục người tiêu dùng, tiểu thương, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu. Đồng thời, cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra ở vùng biên giới và giám sát thị trường ở các tỉnh này. Có thể trích một phần kinh phí trong Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu…