Hiện cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp nhựa, trong đó 450 doanh nghiệp sản xuất bao bì đã tạo ra lượng chất thải nhựa hàng ngày, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy chiếm khối lượng khá lớn do được cung cấp miễn phí từ các cửa hàng. Chất thải nhựa phát sinh chủ yếu từ sinh hoạt, tiêu dùng của người dân; hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Gần 50% sản phẩm nhựa được thiết kế, sản xuất phục vụ mục đích sử dụng một lần và sau đó thải bỏ, chỉ một phần được thu hồi - tái chế.
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt đã và đang gia tăng về cả số lượng, thành phần và tính chất, gây áp lực rất lớn đến môi trường. Ước tính, hiện nay trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10 - 16%/năm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Chiến lược đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được đặt ra là: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định đạt 95%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp so với lượng chất thải được thu gom chiếm 10%... Đến năm 2050, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đạt 100%, trong đó hạn chế tối đa việc chôn lấp chất thải rắn hữu cơ và chất thải có thể tái chế…
Thực tế, gần đây các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh Chống rác thải nhựa, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, CocaCola, La Vie, Nestle, Nutifood… tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa. Các nhà bán lẻ và siêu thị đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm thiểu túi nilon như khuyến khích dùng túi sử dụng nhiều lần, chương trình tích điểm khi không sử dụng túi nilon. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh, đổi nhựa lấy lương thực, nhiều cửa hàng nước giải khát không dùng ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần…
Vậy nhưng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn là vấn đề nóng tại nhiều địa phương. Đơn cử, Hà Nội có 17 khu xử lý chất thải rắn, nhưng đến nay mới có 2 khu xử lý (Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn - huyện Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn - thị xã Sơn Tây) hoạt động, nhưng chỉ có khả năng chôn lấp trong 1 - 2 năm tới...
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia môi trường, vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các khu xử lý chất thải, mà đồng bộ nhiều giải pháp. Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ vào xử lý rác thải rắn sinh hoạt, thúc đẩy tái chế là một trong những giải pháp ưu tiên thực hiện, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Liên quan đến vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường đã có những quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm mở rộng của doanh nghiệp; cũng như các chính sách thu hút doanh nghiệp, người dân vào hoạt động tái chế.