Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh to lớn, độc đáo nhưng chưa được khai thác tốt. (Ảnh: VGP) |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Tây Nguyên không chỉ là phên dậu của Tổ quốc, mà là điểm tựa phát triển của miền Trung, Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, sự phấn đấu của cấp ủy, chính quyền 5 tỉnh Tây Nguyên, vùng đã có sự phát triển khởi sắc.
Tuy nhiên, sau 40 năm giải phóng, Tây Nguyên còn tồn tại nhiều bất cập như tình trạng mất rừng, mất nguồn nước, mất nhiều cơ hội về đầu tư phát triển, đặc biệt là quy mô, hiệu quả của vùng đất tiềm năng chưa được khai thác đúng mức để phát triển và nâng cao mức sống người dân.
Tây Nguyên vẫn như cô gái đẹp, chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại
“Thậm chí có người nhận xét rằng Tây Nguyên như một bữa tiệc đã tàn canh, không còn là môi trường hấp dẫn, không còn chỗ dành cho những nhà đầu tư mới đến”, Thủ tướng cho biết. “Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nhận xét đó chưa thể hiện được bức tranh đầy đủ, khách quan và toàn diện về tiềm năng, thế mạnh to lớn, độc đáo nhưng chưa được khai thác tốt của Tây Nguyên. Có thể nói, đến nay, Tây Nguyên của chúng ta vẫn như một cô gái đẹp, không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại”.
Tây Nguyên có 13 loại đất, trong đó có đến gần 2 triệu ha đất bazan màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca… Riêng Tây Nguyên chiếm 80% diện tích cà phê cả nước. Đây là những cây công nghiệp quan trọng.
“Nhưng đặc điểm nổi lên là gì? Chúng ta vẫn xuất thô. Giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới”, Thủ tướng chỉ rõ và lấy ví dụ, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa đạt 1,5 tỷ USD, chủ yếu sản xuất theo thói quen là hạt tiêu đen. Trong khi hạt tiêu trắng và đặc biệt là hạt tiêu đỏ có hiệu quả gấp 4 lần hạt tiêu đen nhưng chúng ta chưa sản xuất được bao nhiêu, chưa kể đến việc chế biến dược liệu từ cây hồ tiêu.
Thủ tướng kỳ vọng, Tây Nguyên phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp, dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á trong thế kỷ thứ XXI.
Đưa sử thi Tây Nguyên thành di sản thế giới
Với tầm nhìn đó, Thủ tướng gợi mở một số giải pháp. Về du lịch, Tây Nguyên là một kho tàng văn hóa phi vật thể cùng với điều kiện tự nhiên, Chính phủ quyết tâm cùng với Tây Nguyên đưa sử thi Tây Nguyên trở thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Càng nhiều người biết đến sử thi này thì sức lan tỏa của du lịch Tây Nguyên càng lớn. Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Tây Nguyên nói riêng cần có chiến lược phát triển đa dạng.
Về nông nghiệp, phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tập trung quy mô lớn, giá trị hàng hóa lớn, đặc biệt phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm.
Về nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục cơ bản ở vùng Tây Nguyên phải bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước. Tây Nguyên là nóc nhà Đông Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước.
Về bảo vệ, phát triển rừng, Thủ tướng nhấn mạnh, bảo vệ rừng là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ là an ninh của vùng đất được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, mà là an ninh của toàn Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và cả nước, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, nguồn nước, sinh kế của người dân, không gian di sản của cha ông. Mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác. Tiếp tục trồng rừng, không phá rừng nghèo để trồng cây công nghiệp mà tập trung tái canh, nâng cao năng suất thông qua thâm canh các loại cây công nghiệp.
Về công nghiệp, bài toán công nghiệp cho Tây Nguyên chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp. Đồng ý chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Thủ tướng đặt vấn đề phát triển ở đâu và chỉ rõ: Ở vùng đất không thể trồng được cây gì.
Về hạ tầng, cần tránh tư tưởng làm manh mún. Cần tập trung nguồn lực, “góp gạo thổi cơm” để có công trình hạ tầng then chốt ở Tây Nguyên. Phải xã hội hóa mạnh mẽ việc phát triển hạ tầng, kể cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội…
Tây Nguyên có những loại cây công nghiệp quan trọng của cả nước nhưng vẫn chỉ xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới. “Vùng đất này có nhiều mặt hàng sản lượng đứng hàng đầu thế giới mà chưa dẫn dắt được giá để phụ thuộc giá thế giới. Chúng ta phải suy nghĩ về điều này”, Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kể cả cây mắc ca có thể phát triển được nhưng chưa đặt vấn đề phát triển cây này dù thị trường rất rộng lớn. "Cây mắc ca là một lợi thế rất lớn có thể phát triển hàng triệu ha tại Tây Nguyên, nhưng chưa đặt ra được vấn đề này.", Thủ tướng nói. Thị trường đang rất tốt, rất lớn. Trung Quốc đang làm rất thành công. Bây giờ khoan 1 giếng nước sâu 140m mới có nước, trước đây chỉ 30-40m thôi. Cây mắc ca có thể tái phục hồi lượng nước cần thiết, là một vấn đề rất lớn đặt ra ở Tây Nguyên, khi chúng ta đã khai thác nước ngầm trong một thời gian ở mức độ cao."
------------------------------------ * Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 đã thu hút trên 700 đại biểu trong nước và quốc tế, đại diện cho các cơ quan Đảng, Chính phủ, các tổ chức tài chính - ngân hàng, các nhà đầu tư. Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao chứng nhận cam kết đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên cho các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có Ngân hàng Bưu điện Liên Việt cam kết dành chương trình tín dụng ưu đãi 3.000 tỷ đồng để phát triển cây mắc ca tại tỉnh Đắk Nông. Như vậy, cùng với chương trình tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng để phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, LienVietPostBank tiếp tục đóng vai trò là doanh nghiệp đầu tàu thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp mắc ca Việt Nam. |