Thủ tướng Chính phủ chỉ thị về việc trình Chính phủ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết

Ngày 25.2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc trình Chính phủ dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Chỉ thị nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 33 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; xem xét, thông qua đối với gần 120 đề nghị xây dựng và dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết (sau đây gọi chung là dự án luật); trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua đối với hơn 90 dự án luật.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xem xét, cho ý kiến các dự án luật trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách, chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện các dự án luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18.6.2022 của Chính phủ; chịu trách nhiệm về nội dung và tiến độ trình Chính phủ các dự án luật.

Hồ sơ dự án luật phải được trình Chính phủ chậm nhất 15 ngày trước ngày tổ chức Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật hằng tháng để bảo đảm thời gian cho Thường trực Chính phủ, Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Các dự án luật trình Chính phủ tại Phiên họp phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, có ý kiến tham gia đầy đủ của các bộ, cơ quan liên quan; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo tăng cường trách nhiệm, chủ động làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ liên quan hoặc đề xuất Thường trực Chính phủ để chủ trì trao đổi, thống nhất những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật trước khi trình Chính phủ.

Đối với các dự án luật sửa đổi, bổ sung, hồ sơ trình Chính phủ phải nêu rõ: Nội dung lược bỏ, Nội dung sửa đổi, hoàn thiện, Nội dung bổ sung mới; vì sao?, Những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ và kiến nghị phương án giải quyết.

Bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý

Bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2025) và nghị định quy định chi tiết luật này; chỉ đạo việc xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quá trình tổ chức thi hành.

Thủ tướng Chính giao Bộ Tư pháp tổ chức triển khai thi hành kịp thời và có hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, trong đó tập trung quán triệt, phổ biến, giới thiệu các chính sách, nội dung mới của Luật; khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổ chức thẩm định kịp thời, đúng tiến độ; nâng cao chất lượng báo cáo thẩm định và ý kiến của Bộ Tư pháp về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định tại các cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xử lý các hồ sơ dự án luật trình Chính phủ; khẩn trương gửi lấy ý kiến Thành viên Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022; tiếp tục nâng cao chất lượng ý kiến thẩm tra, tham mưu của Văn phòng Chính phủ đối với các dự án luật.

Tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan theo quy định và báo cáo Thường trực Chính phủ, Chính phủ tại cuộc họp; tránh việc các bộ, cơ quan liên quan nhắc lại những nội dung đã có ý kiến, dành thời gian cho Thường trực Chính phủ, Chính phủ tập trung thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau; những vấn đề lược bỏ, bổ sung hoàn thiện hoặc vấn đề mới nhằm tiết kiệm thời gian để một cuộc họp có thể xem xét, cho ý kiến về nhiều dự án luật; đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh.

Thủ tướng Chính giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực được phân công trực tiếp chỉ đạo Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong công tác xây dựng, trình các dự án luật trước khi báo cáo Thường trực Chính phủ và Chính phủ. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chủ động theo dõi, đôn đốc quá trình hoàn thiện các dự án luật, bảo đảm đúng tiến độ, thời hạn trình theo quy định; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ được giao tại chỉ thị này.

Chính trị

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành các Nghị quyết của Quốc hội

Ngay sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết: Nghị quyết số 187/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Nghị quyết số 188/2025/QH15 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 192/2025/QH15 về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.

Ra mắt Trung tâm Dữ liệu quốc gia
Chính trị

Ra mắt Trung tâm Dữ liệu quốc gia

Ngày 25.2, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức lễ ra mắt Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc dự buổi lễ. Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì buổi lễ.

Rà soát tổ chức cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu 80 năm Quốc hội Việt Nam
Chính trị

Rà soát tổ chức cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu 80 năm Quốc hội Việt Nam

Chiều 25.2, Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội đã làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh rà soát công tác triển khai tổ chức cuộc thi trắc nghiệm tương tác trực tuyến tìm hiểu về 80 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Tạ Văn Hạ chủ trì cuộc làm việc.