Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi cấp quốc gia nhấn mạnh, tính chất quan trọng của kỳ thi đòi hỏi các khâu phải chính xác, chặt chẽ, đúng quy trình.
Trong đó, công tác chuẩn bị đóng vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần quyết định sự thành công. Mọi sự chuẩn bị phải kỹ lưỡng, chủ động, chu đáo, từ xây dựng kế hoạch cho đến lường trước các tình huống có thể xảy ra, dự phòng những giải pháp để xử lý.
Thứ trưởng đánh giá, với tinh thần trách nhiệm cao; kinh nghiệm tổ chức nhiều kỳ thi, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành trung ương, các Sở địa phương; sự chủ động tham mưu của các Sở, kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được tổ chức tốt.
Một sai sót nhỏ của cá nhân, phòng thi, điểm thi có thể làm hỏng cả kỳ thi
Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý các Sở GD-ĐT thực hiện 9 nội dung.
Thứ nhất, tổ chức các hội nghị tập huấn theo kế hoạch, với tinh thần lưu ý nội dung mới, những vấn đề dễ nảy sinh, cá thể hóa đối tượng tập huấn, trong đó tập huấn cho các cán bộ lần đầu tham gia làm thi kỹ lưỡng hơn, đầy đủ hơn.
Tất cả cán bộ, nhân viên phục vụ, tham gia tổ chức kỳ thi đều phải được tập huấn và nắm vững quy chế thi, hướng dẫn thi và tập huấn sâu về chức trách nhiệm vụ của mình. Đồng thời, khuyến khích các Sở có bài kiểm tra, đánh giá thực chất sau tập huấn.
Thứ hai, khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố sớm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và các điểm thi, hội đồng thi… khi điều kiện cho phép.
Thứ ba, kịp thời triển khai, quán triệt các văn bản của Bộ như quy chế, hướng dẫn,…; thể chế hoá thành văn bản chỉ đạo của Ban chỉ đạo cấp tỉnh và triển khai ngay để các nhà trường, điểm thi, hội đồng thi có thời gian nghiên cứu, chủ động xây dựng kế hoạch.
Thứ tư, chủ động chuẩn bị sớm, đầy đủ, chu đáo những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất cho công tác thi.
Thứ năm, chuẩn bị nhân lực tham gia kỳ thi, chú trọng lựa chọn nhân sự từng công đoạn, từng con người.
“Chúng ta có xây dựng kế hoạch tốt đến đâu đi chăng nữa, có các phần mềm hiện đại đến đâu đi chăng nữa, nhưng con người không được chuẩn bị chu đáo thì cũng là nhân tố rủi ro rất cao. Hàng vạn người tham gia tổ chức kỳ thi, một sai sót nhỏ của cá nhân, phòng thi, điểm thi… có thể làm hỏng cả kỳ thi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ sáu, chủ động đề xuất, phối hợp tốt với các sở, ngành liên quan. Trong đó, Sở GD-ĐT là cơ quan thường trực cần chủ động đề xuất nhu cầu, mong muốn; làm sao huy động được đông đảo nhất lực lượng tham gia, vừa tạo sự chia sẻ, ủng hộ, đồng thuận, vừa phù hợp.
Thứ bảy, quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra mọi khâu mọi công đoạn, đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Kiểm tra diện rộng, thanh tra trọng tâm trọng điểm. Thứ trưởng cho biết, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn riêng cho công tác kiểm tra, thanh tra kỳ thi.
Thứ tám, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và làm tốt công tác truyền thông; chia sẻ để người dân hiểu đúng về kỳ thi, thí sinh thấy được tính chất kỳ thi để các em nghiêm túc thực hiện quy định, quy chế.
Thứ chín, chủ động chỉ đạo hoàn thành chương trình lớp 12 để thí sinh có thời gian ôn tập. Các văn bản của Sở hướng dẫn tất cả thí sinh đăng ký dự thi đúng, đủ, hạn chế sai sót.
Thứ trưởng yêu cầu Ban Tổ chức tiếp thu mọi ý kiến và tập hợp thành các nhóm vấn đề như quy chế, hướng dẫn, phần mềm, các văn bản chỉ đạo khác… để nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Bộ. “Đó chính là những thông tin từ cơ sở rất quý báu cho công tác quản lý nhà nước của Bộ”, Thứ trưởng khẳng định.
Tuân thủ từ khóa “4 Đúng - 3 Không” khi tổ chức kỳ thi
Nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, công bằng, an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhắc tới từ khoá “4 Đúng - 3 Không” để các đại biểu nghiên cứu, vận dụng phù hợp trong quá trình tổ chức kỳ thi.
“4 Đúng” gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; Đúng và đủ quy trình; Đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ được giao; Đúng thời điểm (kịp thời xử lý tình huống, sự cố bất thường).
“3 Không” gồm: Không lơ là, chủ quan; Không tự ý xử lý tình huống, sự cố bất thường; Không căng cứng, áp lực thái quá.
“Chúng tôi tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp của các bộ ban ngành, các sở, địa phương, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ được tổ chức thành công”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Báo cáo tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương đã giới thiệu tóm tắt những điểm mới của quy chế thi, hướng dẫn tổ chức kỳ thi, những lưu ý trong quá trình tổ chức kỳ thi.
Tại hội nghị, hơn 400 đại biểu tham dự đã lắng nghe lãnh đạo Cục A03, A06, Bộ Công an trao đổi về công tác phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi, giải pháp nâng cao hiệu quả năm 2023, hướng dẫn phát hiệu các thiết bị công nghệ cao có thể gian lận trong kỳ thi.
Bên cạnh đó, Vụ Giáo dục Đại học đã thông báo một số nội dung về tuyển sinh đại học, trình độ cao đẳng ngàn Giáo dục Mầm non năm 2023; công tác đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Hội nghị cũng dành nhiều thời lượng để ghi nhận tham luận, trao đổi của đại diện các Sở GD-ĐT và thảo luận, giải đáp thắc mắc về quy chế, hướng dẫn, công tác đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi.
Trong khuôn khổ hội nghị, cán bộ phụ trách Công nghệ thông tin của các Sở GD-ĐT và các đơn vị liên quan đã tham dự phiên tập huấn Hệ thống phần mềm Quản lý thi và đăng ký dự thi trực tuyến cho thí sinh.