Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán và giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022.
Trong số này, thu nội địa 6 tháng ước đạt 718,8 nghìn tỷ đồng, bằng 53,9% dự toán, giảm 4,7%. Thu từ dầu thô 6 tháng ước đạt 30,6 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng ước đạt 126,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,9% dự toán, giảm 20,6%.
Trong số thu nội địa, thu tiền sử dụng đất 6 tháng ước đạt 47,6 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán. Về thực hiện thu nội địa trên địa bàn các địa phương, ước tính đến hết tháng 6, có 30 địa phương thu nội địa đạt trên 50% dự toán, trong đó 14 địa phương đạt trên 55% dự toán; 9 địa phương thu cao hơn cùng kỳ; 54 địa phương tiến độ thu dự toán đạt thấp hơn so cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn cả trong và ngoài nước. Điều này đã tác động trực tiếp đến tình hình tăng trưởng và tiến độ thu ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính đã đề xuất ban hành các chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác góp phần giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,7 ngàn tỉ đồng. Để đạt được mục tiêu trên là hết sức khó khăn. Do đó, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp ngay từ đầu năm.
Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tế, tiếp tục đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách nhà nước phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.