Đây là nội dung được các đại biểu là đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, môi trường đề cập tại Hội thảo Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải? do Báo Thanh niên tổ chức sáng 5.12.
"Lát cắt" phát sinh từ thực tiễn
Theo Tổng biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Ngọc Toàn, trong bức tranh tổng thể toàn cầu hướng đến mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; tiếp tục thúc đẩy việc giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ, thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải mang tính khả thi; lát cắt phát sinh từ thực tiễn trong quá trình áp dụng tăng trưởng xanh ở nhiều địa phương, khu công nghiệp, cơ quan có thẩm quyền trong cấp phép đầu tư có thể gây ô nhiễm hay yêu cầu phải giảm phát thải có lộ trình đang được đặt ra.
Trên thực tế, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài gặp khó khăn khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam. Lý do là một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành nào “có vẻ ô nhiễm” là không mặn mà, thậm chí gạt luôn. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các ngành chủ lực của nước ta như: dệt may, nông nghiệp, vận chuyển, sản xuất và xây dựng... đều là những ngành công nghiệp gây ô nhiễm hàng đầu.
"Vậy ứng xử với các dự án trong các ngành này thế nào? Liệu có tiếp tục thu hút đầu tư vào công nghiệp bán dẫn nữa hay không? Nếu chúng ta vẫn phải mặc quần áo hàng ngày, thay quần áo thường xuyên... thì việc từ chối dệt may, nhuộm vì ô nhiễm liệu có đúng không?"- Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Toàn đặt vấn đề.
Tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế.
Tuy vậy, do áp lực về chuyển đổi xanh trong khi thiếu dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường khiến nhiều địa phương trong thu hút đầu tư lại nghiêng về "lọc ngành" thay vì xem xét các tiêu chí phát thải có đáp ứng yêu cầu hay không. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, khu công nghiệp trong thu hút nhà đầu tư.
Theo Phó trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Viết Phúc, việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có những thuận lợi như nguồn khí gas tự nhiên và các hệ thống đường ống khí cung cấp đến từng khu công nghiệp, có hệ thống phát triển hệ thống điện mặt trời hoàn chỉnh…
Trên cơ sở những thuận lợi, tỉnh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư của các doanh nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng thông minh trong quản lý vận hành, tiến tới mục tiêu phát triển “xanh”, sinh thái. Song, vấn đề khó khăn trong việc thu hút dự án xanh là các nhà đầu tư rất quan tâm đến vị trí nhà máy thuận lợi, muốn dự án đầu tư phải gần khu vực cảng, gần vị trí giao thông… Nếu đáp ứng thì không thể giữ vững định hướng phân vùng, phá vỡ quy hoạch trong quá trình thu hút đầu tư; còn nếu không đáp ứng thì nhà đầu tư sẽ đi nơi khác.
Lộ trình phát triển xanh phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững
Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050. Tại COP28 đang diễn ra tại Dubai (UAE) từ ngày 30.11 - 12.12, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận giải quyết vấn đề chống biến đổi khí hậu phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là từ khóa. Xanh là giấy thông hành để vào thị trường thế giới nên không phải là vấn đề bàn cãi. Xanh không phải là sự lựa chọn mà là vấn đề sống còn. Không xanh là chết. Nhưng quá trình xanh hóa không thể ngay tắp lự, ngủ một đêm dậy hôm sau là xanh ngay. Quan trọng nhất là sự lựa chọn lộ trình thực hiện phù hợp. Nếu lộ trình sai thì mục tiêu tốt đẹp nhưng cũng không đạt được.
Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chuyển đổi sang xu thế phát triển bền vững, để đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng về 0% vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP28, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Vũ Tiến Lộc cho rằng, lộ trình phát triển xanh phải nằm trong chiến lược phát triển bền vững, cân đối hài hòa với việc sử dụng tài nguyên và giảm phát thải, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế Vũ Tiến Lộc đề xuất, trên cơ sở định hướng chiến lược tăng trưởng xanh với lộ trình phù hợp cần lồng ghép được vào chiến lược phát triển các ngành, địa phương để bảo đảm mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn. Việt Nam cần xây dựng chiến lược quốc gia phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực và có sự phối hợp liên ngành. Các bộ ngành phối hợp xây dựng bộ chỉ tiêu phát triển xanh phù hợp, phân loại xanh, tiêu chuẩn định mức đi theo là gì để các địa phương ghi nhận đầu tư, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cũng theo chuẩn quốc gia đó để thúc đẩy và giám sát đầu tư.
Ngoài ra, cần có những dự án tiên phong bứt phá vươn lên, tạo nên điểm đột phá trong tốc độ chuyển đổi xanh của nền kinh tế; chọn một số địa phương làm thí điểm và có thể chọn địa phương đi sau trong phát triển công nghiệp xanh. Đặc biệt, phải quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ để có chính sách phù hợp, hỗ trợ về nhận thức, quản trị để thực hiện chuyển đổi xanh. Quá trình phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải của Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không thúc đẩy được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia mạnh mẽ.