Sản phụ D.D.L. (sinh năm 1996, Đà Nẵng, mang thai lần đầu) tới thăm khám tại Bệnh viện Từ Dũ khi phát hiện thai có bất thường về tim: không lỗ van động mạch phổi với vách liên thất kín diễn tiến thiểu sản thất phải, được tư vấn tái khám định kỳ tại bệnh viện.
Trong quá trình khám thai và theo dõi tại Bệnh viện Từ Dũ, bất thường về tim thai ngày càng tiến triển nặng hơn, nguy cơ thai nhi tử vong trong bụng mẹ hoặc ngay sau khi được sinh ra.
Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức hội chẩn liên viện khẩn với Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 03.01.2024 (thai được 32 tuần 5 ngày), kết luận nếu không can thiệp bào thai để nong van động mạch phổi ngay, khả năng cao thai sẽ mất trong bụng mẹ. Đồng thời, không thể chấm dứt thai kì thời điểm này để sửa chữa tim sau sinh, vì khả năng cao thai sẽ mất sau sinh do non tháng kèm bệnh tim nặng.
Các chuyên gia Sản và Nhi của 2 bệnh viện thống nhất: can thiệp trong bào thai bán khẩn là giải pháp phù hợp nhất và cấp bách nhằm cứu sống thai nhi còn trong bụng mẹ.
"Trái tim em bé chỉ như quả dâu tây, phải đảm bảo chính xác tuyệt đối, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể khiến tim ngừng đập ngay lập tức", TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về can thiệp tim bẩm sinh, người trực tiếp thông tim, cho biết.
Để đảm bảo thành công cho cuộc thông tim can thiệp bào thai ngay trong tử cung mẹ đòi hỏi 2 bệnh viện phải chuẩn bị nhiều mặt, trong đó quan trọng nhất là con người.
Ngoài chuyên gia trực tiếp thông tim có trình độ, việc gây mê bào thai để em bé nằm yên, giúp ê kíp can thiệp thao tác thuận lợi, cũng đòi hỏi nhiều vào tay nghề của bác sĩ. Việc này đã được BSCKII Trịnh Nhựt Thư Hương - Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 và ê kíp Bệnh viện Từ Dũ nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán, can thiệp bào thai đảm nhiệm.
Hai bệnh viện lên kế hoạch tỉ mỉ, sẵn sàng ê kíp hơn 15 người với 5 chuyên khoa, gồm sản, nhi sơ sinh, gây mê hồi sức, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh.
8 giờ sáng ngày 4.1, Ban Giám đốc và kíp phẫu thuật của Bệnh viện Từ Dũ phối hợp cùng Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cùng thảo luận rà soát lại một lần nữa các phương án thực hiện kỹ thuật này trước khi triển khai. Đến 9 giờ 05 phút, kíp phẫu thuật cả 2 bệnh viện tiến hành can thiệp tim thai trong bào thai.
Sau can thiệp, siêu âm kiểm tra tim thai lại thấy dòng chảy qua van động mạch phổi tốt, không tràn dịch màng ngoài tim. Hai kíp phẫu thuật đã cân não, nỗ lực hết sức đảm bảo chính xác tuyệt đối, hạn chế tối đa sự cố có thể xảy ra.
Giây phút nong thành công van tim bào thai, rút kim luồn ra khỏi tử cung người mẹ, ê kíp can thiệp Bệnh viện Từ Dũ và Nhi Đồng 1 thở phào, bởi trái tim "bé như quả dâu tây" vẫn hoạt động.
Theo các bác sĩ, can thiệp bào thai mang lại kết quả cải thiện rất ngoạn mục, nhưng cũng đối diện nhiều nguy cơ trong và sau phẫu thuật. Sau can thiệp, siêu âm ghi nhận tim thai nhi vẫn hoạt động tốt. Thai phụ tiếp tục được hai bệnh viện phối hợp theo dõi thai kỳ.
Hẹp van động mạch phổi với vách liên thất kín (PA-IVS) là một dị tật tim bẩm sinh xảy ra do sự thông thương phân chia giữa tâm thất phải và tuần hoàn động mạch phổi. PA-IVS có tỷ lệ rất hiếm, chỉ 0,042-0,053 trên 1000 ca sinh sống. Bệnh có thể được chẩn đoán khi khám siêu âm sản khoa định kỳ.
Theo Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, ca thông tim can thiệp bào thai này thực sự là một bước tiến mới về kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước phát triển trong khu vực. Trên thế giới, chỉ một số nơi như Brazil, Ba Lan... thực hiện thành công kỹ thuật này.
Các nước trong khu vực, đạt nhiều thành tựu y khoa, như Singapore, Thái Lan... đều chưa triển khai thông tim bào thai.