Bổ sung thẩm quyền xử phạt cho một số chức danh
Theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành vừa quy định hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi, vừa quy định “vi phạm hành chính nhiều lần” là tình tiết tăng nặng. Quá trình thực hiện quy định này gặp vướng mắc do các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực không quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nào thì bị xử phạt về từng lần, trường hợp nào thì bị xử phạt một lần và áp dụng tình tiết tăng nặng.
Để khắc phục bất cập nêu trên, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, điểm d, khoản 1, Điều 3, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng: một người thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi, trừ trường hợp được Chính phủ quy định áp dụng tình tiết tăng nặng.
Về thẩm quyền xử phạt, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, cũng như để bảo đảm sự thống nhất giữa dự thảo Luật này và Luật Thi hành án dân sự, Luật Quản lý thuế, phù hợp với thực tiễn thi hành, dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Dự thảo Luật cũng bổ sung vào khoản 1, Điều 163 của Luật Thi hành án dân sự về thẩm quyền xử phạt vi phạm của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Dự thảo Luật cũng sửa đổi thẩm quyền xử phạt của thủ trưởng cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế (từ Chi cục trưởng trở lên) đối với 3 hành vi cụ thể trong lĩnh vực thuế đã được Luật Quản lý thuế quy định.
Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Luật quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là một năm, trừ các trường hợp gồm: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước. Các vi phạm nêu trên có thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 2 năm.
Không cắt điện, nước với công trình vi phạm
Trước khi thông qua toàn thể dự thảo Luật, các ĐBQH đã biểu quyết thông qua quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (khoản 43 Điều 1, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Với tỷ lệ 80,9% tổng số ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua phương án quy định không bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước trong sửa đổi, bổ sung Luật lần này.
Với tỷ lệ 92,32% tổng số ĐBQH tán thành, quy định đối tượng người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy đã được thông qua. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, do dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười một, nên quy định theo hướng trên sẽ giúp tránh phát sinh mâu thuẫn giữa hai luật.
Để thi hành Luật này, Chính phủ, các Bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều nghị định, thông tư quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022, thay vì như phương án đề xuất ban đầu là từ 1.7.2021. Thời gian Luật có hiệu lực được quy định như trên nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan có đủ thời gian rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.