Tham dự Lễ công bố Nghị quyết có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung và các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Trưởng Ban Công tác đại biểu - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quốc Hùng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu...
Cùng dự có: đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện các tổ chức quốc tế.
Tại buổi lễ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã công bố Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 – 2025.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và trao tặng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Huế bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc trung ương
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ công bố, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành rất cao.
Như vậy, từ ngày 1.1.2025, cùng với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, TP. Đà Nẵng và TP. Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam. "Đây không chỉ là niềm tự hào, ước nguyện từ lâu của các thế hệ lãnh đạo, Nhân dân Thành phố Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, một vùng đất địa linh nhân kiệt", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong lịch sử dựng nước và phát triển, thành phố Huế luôn giữ vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng; là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; là một trong những trung tâm lớn về văn hoá, du lịch, giáo dục, đào tạo, y tế chuyên sâu; là một cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung và có vị trí trọng điểm về quốc phòng, an ninh của cả nước.
Huế là vùng đất văn hiến, văn hóa đặc sắc, là nơi duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có 8 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1993 và trở thành thành viên chính thức của mạng lưới di sản quốc tế. Đây chính là yếu tố, tiêu chuẩn đặc thù của thành phố trực thuộc trung ương có tính chất “đô thị di sản” đầu tiên của Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, Huế đã rất nỗ lực “chuyển mình” và đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng. Huế đã xây dựng được mô hình đô thị theo hướng đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường; hình thành và phát triển các trung tâm về văn hóa, du lịch, trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt được nhiều kết quả quan trọng; kinh tế đạt mức tăng trưởng khá; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đạt kết quả tích cực.
Việc Quốc hội Khóa XV ban hành Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, trong đó quy định cụ thể một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phí tham quan du lịch và quỹ bảo tồn di sản Huế, làm cơ sở để thúc đẩy quá trình phát triển ổn định, cân đối, hài hòa, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
"Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định “Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc trung ương” cùng lời nhắn gửi “Cả nước vì Huế, Huế vì cả nước”. Việc thành lập Thành phố Huế trực thuộc trung ương và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc không chỉ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước mà còn phát huy được tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của địa phương; góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công chức và nhân dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ máy chính quyền phải được tổ chức thống nhất, chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cấp ủy, chính quyền Thành phố Huế có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, như: việc thay đổi mô hình tổ chức quản lý nhà nước từ tỉnh sang thành phố trực thuộc trung ương với mức độ đô thị hóa cao hơn, bộ máy chính quyền phải được tổ chức thống nhất, chuyên sâu, chuyên nghiệp hơn để vận hành thông suốt, hiệu quả, đáp ứng tốt chức năng quản lý nhà nước, nhất là các nhiệm vụ về quản lý đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Cùng với đó, tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế; phát triển du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thành phố Huế đặc biệt chú trọng thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược và chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch; thường xuyên quan tâm phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu.
"Lãnh đạo, Nhân dân Huế nhất định phải phấn đấu nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để phấn đấu đến năm 2030, Thành phố là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao theo định hướng tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường sự đồng thuận, chung sức, chung lòng của người dân, doanh nghiệp, cùng nhau thấy được trách nhiệm, niềm tự hào và tự tin phấn đấu vươn lên; người dân, doanh nghiệp phải được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, thành quả của quá trình phấn đấu, hy sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện việc bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị; đảm bảo theo đúng quy định, tiết kiệm, hiệu quả, kiên quyết không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng thời, tập trung thực hiện tốt việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; phấn đấu cao nhất, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; chuẩn bị chu đáo để tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp của Thành phố, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố Huế trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong địa phương; đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác với các tỉnh, thành phố khác, để tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, Huế sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để trở thành một thành phố trực thuộc trung ương bình yên, đáng sống, một Huế xanh, hiện đại, thông minh, hạnh phúc.
Động lực, khí thế mới để Huế tiếp tục phát triển thành đô thị di sản thông minh, giàu bản sắc
Phát biểu đáp từ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển với tâm thế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng, tạo động lực, khí thế mới để Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử và cách mạng vẻ vang, xây dựng và phát triển thành một đô thị di sản thông minh và giàu bản sắc, tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, tạo bứt phá để phát triển nhanh và bền vững; khẳng định vai trò, vị thế các trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa, du lịch; y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.
Trên chặng đường phát triển mới, thành phố Huế sẽ có nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Bí thư Lê Trường Lưu tin tưởng Huế sẽ hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trong đó, đến năm 2030, thành phố Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Thay mặt lãnh đạo Thành phố Huế, Bí thư Lê Trường Lưu trân trọng tiếp thu những ý kiến chỉ đạo sâu sắc, đầy tâm huyết của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; khẳng định, sẽ chỉ đạo cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Huế trong thời gian tới. Với vai trò và vị thế mới, toàn hệ thống chính trị, mỗi một cán bộ, đảng viên và Nhân dân thành phố Huế sẽ phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ, cùng chung sức, đồng lòng, chủ động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tạo sức bật mạnh mẽ để xây dựng Huế trở thành một Thành phố phát triển bền vững, an toàn, bình yên, thân thiện, hạnh phúc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại Lễ công bố đã diễn ra Chương trình nghệ thuật chào mừng "Huế - Ngày mới" với những tiết mục đặc sắc làm nổi bật hình ảnh một Huế vừa truyền thống, vừa hiện đại, thể hiện sự vươn mình trong giai đoạn mới. Chương trình nghệ thuật chào mừng có sự tham gia của gần 600 nghệ sĩ. Những ngày vừa qua, dù thời tiết không thuận lợi, song các nghệ sĩ luôn tích cực tập luyện, nhằm có những tiết mục nghệ thuật hấp dẫn, chuyên nghiệp nhất chào mừng sự kiện thành phố Huế được công nhận thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Nghị quyết số 175 của Quốc hội, Quốc hội quyết nghị: thành lập Thành phố Huế là thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và Biển Đông. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc thành phố Huế bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Nghị quyết số 175 của Quốc hội. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Quốc hội giao Chính phủ, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (HĐND, UBND Thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành) và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
Kể từ ngày Nghị quyết 175 có hiệu lực thi hành, ngoài các chế độ, chính sách đối với thành phố trực thuộc trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Tại Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị thành lập các quận thuộc thành phố Huế gồm: quận Phú Xuân (có 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Kim Long, Long Hồ, Phú Hậu, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc); quận Thuận Hóa (có 19 phường, gồm: An Cựu, An Đông, An Tây, Dương Nỗ, Hương Phong, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thượng, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Thuận An, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ và Xuân Phú).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị thành lập thị xã Phong Điền thuộc Thành phố Huế; sắp xếp huyện Nam Đông, huyện Phú Lộc và thành lập thị trấn trực thuộc; thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế; thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện của thành phố Huế.
Kể từ ngày Nghị quyết số 1314 có hiệu lực thi hành (1.1.2025), thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn.