Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khóa XV

Thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, với tỷ lệ 386/473 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 77,82% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân 

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương, 121 điều, tăng 3 chương và 30 điều so với Luật hiện hành.

Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu, quan điểm đặt ra, đó là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới, cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;  tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân; khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, kỷ luật của công tác quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, để bảo đảm Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tăng cường tính khả thi, đặc biệt là nội dung mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cán bộ y tế và cơ quan, tổ chức liên quan hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Đồng thời, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật; đặc biệt cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Trước đó, với tỷ lệ 77,02% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết tán thành đối với Điều 25 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) quy định về Hội đồng Y khoa quốc gia; với tỷ lệ 84,27% tán thành, Quốc hội đã thông qua Điều 104 dự thảo Luật; và với tỷ lệ 76,81% tán thành, Quốc hội cũng đã thông qua Điều 110 dự thảo Luật.

Chuẩn hóa năng lực của người hành nghề

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về nội dung liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội băn khoăn, cho rằng, việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế; có ý kiến băn khoăn về chất lượng Hội đồng và tính độc lập của Hội đồng với Bộ Y tế, cân nhắc quy định ngay trong luật những tiêu chí, tiêu chuẩn để tuyển chọn thành viên tham gia vào Hội đồng Y khoa quốc gia, bảo đảm đáp ứng trình độ chuyên môn để thực hiện các nhiệm vụ luật giao, nhất là trong việc kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau: Nghị quyết số 20-NQ/TW đã chỉ đạo “thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia” và coi đây là một trong các giải pháp quan trọng để phát triển chất lượng nguồn nhân lực y tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, theo kinh nghiệm phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hội đồng Y khoa Quốc gia là thiết chế cần thiết để chuẩn hóa năng lực của người hành nghề thông qua việc kiểm tra, đánh giá năng lực trước khi cấp giấy phép hành nghề, bảo đảm chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người bệnh. Dự thảo Luật quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia là tổ chức do Thủ tướng Chính phủ thành lập, có chức năng đánh giá độc lập năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; có con dấu và trụ sở riêng; quy định các nhiệm vụ của Hội đồng này và giao Thủ tướng Chính phủ quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Tuy nhiên, khi quy định cụ thể về các nội dung trong Điều này, đề nghị Chính phủ phải báo cáo, xin ý kiến của cấp có thẩm quyền theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25.10.2017, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Do Hội đồng Y khoa quốc gia là mô hình lần đầu tiên có ở Việt Nam, nên còn nhiều vấn đề mới, chưa rõ, chưa ổn định nên dự thảo Luật giao Chính phủ quyết định tổ chức và hoạt động.

Vì những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, cần cân nhắc việc giao tất cả các nhiệm vụ cho Hội đồng Y khoa Quốc gia, đề nghị giao nhiệm vụ “chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” (quy định tại điểm c khoản 2) cho địa phương.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc phân cấp cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ sẽ giúp chia sẻ trách nhiệm, phát huy tính chủ động, linh hoạt của địa phương. Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả, giám sát chặt chẽ khi triển khai thực hiện, nhằm thực hiện đánh giá năng lực hành nghề thống nhất trên phạm vi toàn quốc, dự thảo Luật giao Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì việc tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở huy động các cơ sở đào tạo đáp ứng yêu cầu của việc tổ chức đánh giá năng lực. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (Điều 110), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Nhà nước cần quản lý giá khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, cả khám bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh theo yêu cầu để bảo đảm quyền được chăm sóc y tế của Nhân dân, bảo đảm những người yếu thế không bị nghèo hóa về chi phí y tế; đề nghị làm rõ Bộ Y tế quy định giá gì, thay đổi cách quản lý về quy định giá.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định Nhà nước định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoài danh mục dịch vụ do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại khoản 5 và khoản 6 Điều này; giao cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại khoản 7 Điều 110.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các điều khoản về tài chính chưa tách khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh bình thường để xác định nguồn thu - chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau, trên thực tế nhiều trường hợp không thể bóc tách được khoản chi từ nguồn thu do nhiều hoạt động khám bệnh, chữa bệnh sử dụng chung nguồn lực như điện, nước, xử lý chất thải... Do vậy, việc quản lý tài chính từ nguồn thu và việc chi sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về tài chính, kế toán. Ngoài ra, Chính phủ sẽ có quy định cụ thể về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu như thể hiện tại Điều 110 của dự thảo Luật.

Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp - Ảnh Quang Khánh
Thời sự Quốc hội

Tạo cơ hội mới cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn

Theo các đại biểu, việc thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng sẽ là bước đột phá lớn, tạo cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh mẽ và tự chủ hơn nữa. Đồng thời, phát huy được vị trí địa lý của thành phố, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện chủ trương "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary cắt băng khánh thành Tòa nhà hành chính Quốc hội Campuchia

Chiều 21.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Khuon Sudary đã chủ trì lễ khánh thành và trao tặng công trình Tòa nhà hành chính Quốc hội Vương quốc Campuchia - món quà của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam dành tặng Đảng, Nhà nước, nhân dân Campuchia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Quốc hội Khuon Sudary
Thời sự Quốc hội

Nhà nước Campuchia trao tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, chiều nay, 21.11, tại trụ sở Quốc hội Campuchia ở thủ đô Phnom Penh, thay mặt Nhà nước Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Samdech Khuon Sudary đã trao Huân chương Công trạng hạng Đại Thập tự của Nhà nước Campuchia tặng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.