Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về 2 dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phân công Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn của 2 Đoàn giám sát; đồng thời, đề nghị bổ sung các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác tham gia Đoàn giám sát.
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, việc phân công các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Phó Trưởng Đoàn 2 Đoàn giám sát của Quốc hội được xác định căn cứ vào khoản 1 Điều 16 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, khoản 2 Điều 23 của Quy chế Tổ chức một số hoạt động giám sát của Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 và căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội. Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm Phó Trưởng Đoàn của 2 Đoàn giám sát để chỉ đạo về các nội dung chuyên đề giám sát thuộc lĩnh vực phụ trách của Ủy ban Xã hội; đồng thời, với tư cách là Tổ phó Thường trực Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi trong quá trình phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai giám sát.
Một số ý kiến đề nghị xác định cụ thể địa phương, bộ, ngành để tiến hành giám sát; điều chỉnh phạm vi giám sát; không yêu cầu các Đoàn đại biểu Quốc hội (nơi Đoàn giám sát đến giám sát trực tiếp) phải tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả giám sát đến Đoàn giám sát; bổ sung mục tiêu, phương thức giám sát và một số cơ quan chịu sự giám sát ở địa phương. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, các dự thảo Nghị quyết được xây dựng theo hướng tiếp tục kế thừa những đổi mới đã được thực hiện có hiệu quả trong triển khai giám sát chuyên đề năm 2022, quy định mang tính nguyên tắc về phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan; nội dung cụ thể sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện. Theo đó, căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, bao gồm báo cáo kết quả giám sát của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ đề xuất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cơ quan, địa phương đến giám sát trực tiếp.
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính khả thi và giám sát đạt chất lượng, hiệu quả, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo xây dựng Kế hoạch giám sát chi tiết với các nội dung cụ thể về mục tiêu, phạm vi, nội dung, phương thức giám sát; đồng thời, trong quá trình tổ chức triển khai, Đoàn giám sát có thể mời đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành để giải trình, làm rõ thêm nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát.
Sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về 2 dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 Nghị quyết.
Với 469/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,18%), Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được Quốc hội thông qua với 465/471 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,37% tổng số đại biểu Quốc hội.