Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự cuộc làm việc, về phía đại biểu Trung ương có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.
Về phía Thành ủy TP. Hồ Chí Minh có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy Thành phố, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Nguyễn Hồ Hải; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Nguyễn Phước Lộc; cùng tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, các sở, ngành của địa phương.
Tập trung thảo luận thực chất, giải quyết được các đề xuất, kiến nghị của Thành phố
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, hôm nay Đảng đoàn Quốc hội làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh về: Kết quả triển khai Nghị quyết 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời, nghe báo cáo về các nội dung TP. Hồ Chí Minh báo cáo Quốc hội xem xét tại Kỳ họp cuối năm 2024; các nội dung qua thực tiễn áp dụng tại TP. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt lớn nhất cả nước, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Địa phương có vai trò đầu tàu, đóng góp lớn cho cả nước, tỷ trọng GRDP của Thành phố chiếm khoảng 18% GDP cả nước, thu ngân sách chiếm trên 27%.
Đảng, Nhà nước luôn dành cho TP. Hồ Chí Minh sự quan tâm đặc biệt. Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 - NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội ban hành Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 57/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc làm việc và có nhiều chỉ đạo cụ thể với TP. Hồ Chí Minh về tình hình KT - XH và định hướng phát triển của địa phương cũng như nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự cuộc làm việc tập trung trao đổi, đi thẳng vào những vấn đề đặt ra một cách thực chất với tinh thần phải giải quyết được những kiến nghị, đề xuất của TP. Hồ Chí Minh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết 57/2022/QH15 của Quốc hội cũng như những việc đã làm, đang làm và chưa làm được trong thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép TP. Hồ Chí Minh thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển Thành phố, tuy nhiên thực tế vừa qua cho thấy, việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách này cho thấy có khăn, vướng mắc, chưa thật sự tạo chủ động, linh hoạt, sáng tạo theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, cần nghiên cứu kỹ các đề xuất, kiến của TP. Hồ Chí Minh để có thể giải quyết vấn đề đặt ra một cách thấu tình đạt lý…, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Tiếp tục đà tăng trưởng, quý sau tích cực hơn quý trước nhưng chưa có đột phá
Tiếp đó, tại cuộc làm việc, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi đã báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong thời gian qua; kết quả nổi bật trong triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15, Nghị quyết 57/2022/QH15, các dự án, đề án; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần khắc phục, tháo gỡ; nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và những đề xuất, kiến nghị của TP. Hồ Chí Minh.
Về tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố 9 tháng đầu năm 2024, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết, kết quả quý III.2024 tiếp tục đà tăng trưởng của quý II, quý sau tích cực hơn quý trước nhưng chưa có đột phá. Phần lớn các chỉ số quan trọng đều tăng so với cùng kỳ, cụ thể: GRDP quý III đạt 7,33%, tính chung 9 tháng đầu năm đạt 6,85%. Doanh thu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,5%; Xuất khẩu đạt 33,82 tỷ USD, tăng 10,2%; nhập khẩu đạt 44,1 tỷ USD, tăng 6,4%; IPP tăng 6,9%; doanh thu du lịch tăng 11,9% trong đó khách quốc tế đạt 4,014 triệu lượt, tăng 12,4%; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,6%, đạt 37.808 doanh nghiệp, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 15,4%; thu ngân sách nhà nước tăng 14,29%, đạt 76,9% dự toán năm. Tỷ lệ giải quyết việc làm tăng 2,85%, tỷ lệ tạo việc làm mới tăng 5,17%. Đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng trong lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng…
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Thành phố cũng nêu rõ, một số chỉ số chưa đạt kết quả như mong đợi, trong đó có các chỉ số liên quan tới dòng tiền vào thị trường, cụ thể: tổng vốn doanh nghiệp đăng ký mới và bổ sung giảm 22,7%, đạt 543.652 tỷ đồng). Thu hút FDI giảm 5%, tương đương 1,849 tỷ USD; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 20,8%.
Về đánh giá khả năng hoàn thành 22 chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP. Hồ Chí Minh có khả năng hoàn thành 19/22 chỉ tiêu (trong đó 12 chỉ tiêu sẽ đạt; một chỉ tiêu phấn đấu đạt, 6 chỉ tiêu cần nỗ lực lớn để đạt), 3 chỉ tiêu không đạt (tốc độ tăng GRDP do bị ảnh hưởng trực tiếp từ Covid giai đoạn 2020 - 2021; tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động).
Về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định, Nghị quyết 98/2023/QH15 đem lại cơ hội lớn, có tính đột phá để Thành phố tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố; phân cấp, tạo sự linh hoạt, chủ động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hành chính; tạo cơ chế hoạt động thuận lợi, phát triển cho TP. Thủ Đức vận hành mô hình thành phố trong Thành phố đầu tiên của cả nước.
Cụ thể, Nghị quyết 98/2023/QH15 quy định 44 cơ chế đặc thù, trong đó có 30 cơ chế đã áp dụng; 2 cơ chế đang chờ Bộ, ngành bổ sung quy định; một cơ chế xin dừng thực hiện do đã có quy định mới thay thế; 4 cơ chế chưa đề xuất áp dụng; 7 cơ chế Thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn. Về lĩnh vực quản lý đầu tư, đã bố trí vốn đầu tư công và giải ngân 2.796 tỷ đồng (năm 2023) và 998 tỷ đồng (năm 2024) hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm. Thành phố đã thông qua danh mục 7 vị trí phát triển TOD dọc tuyến Metro số 1, Metro số 2, tuyến Vành đai 3; đã ban hành danh mục 41 dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa theo phương thức đối tác công tư; 5 dự án BOT nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu để thực hiện đến năm 2028…
Về tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố, đã thành lập Sở An toàn thực phẩm và Trung tâm Chuyển đổi số Thành phố; đã tăng thêm một Phó Chủ tịch HĐND, một Phó Chủ tịch UBND cho TP. Thủ Đức, một Phó Chủ tịch UBND cho 2 huyện (Cần Giờ, Hóc Môn), 51/52 Phó Chủ tịch UBND đối với 51/52 phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50 nghìn người trở lên; đã giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn giai đoạn 2024 - 2026 với tổng số 7.037 người.
Thành phố cũng đã ban hành và khẩn trương triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị định số 84/2024/NĐ-CP ngày 10.7.2024 của Chính phủ về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TP. Hồ Chí Minh.
Về tổ chức bộ máy chính quyền TP. Thủ Đức, đã thành lập mới 2 đơn vị (Ban Đô thị HĐND, Thanh tra xây dựng), 3 trung tâm (Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Trung tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm An sinh xã hội). Bổ sung đủ nhân sự cho HĐND và UBND TP. Thủ Đức (2 Phó Chủ tịch HĐND, 8 đại biểu chuyên trách; 4 Phó Chủ tịch UBND). Về cơ bản, mô hình chính quyền đô thị TP. Thủ Đức đang đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nêu rõ, tiến độ xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai một số nội dung chưa đạt Kế hoạch như: chính sách ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; tăng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Hiện đã có 16/32 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao đã được Thành phố triển khai, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tốt, Thành phố đang chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các nội dung còn lại.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết 57/2022/QH15, dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng và tổng chiều dài khoảng 76,34 km, đi qua địa phận 4 tỉnh, thành phố gồm TP. Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, được chia thành 8 dự án thành phần (DATP) đầu tư theo hình thức đầu tư công.
Dự án được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về nguồn vốn, công tác chuẩn bị đầu tư nên có nhiều thuận lợi trong quá trình triển khai, khẳng định được tính hiệu quả, hoàn toàn có thể áp dụng cho các dự án khác hoặc xem xét luật hóa.
Đó là cơ chế chỉ định thầu giúp rút ngắn thời gian thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thành phần khoảng 4 tháng; cơ chế về nguồn vốn đầu tư cho phép điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và cho phép tăng tổng mức đầu tư từ nguồn tăng thu của địa phương, qua đó, Dự án được cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ nguồn vốn ngân sách trung ương là 31.380 tỷ đồng và từ nguồn vốn ngân sách các địa phương là 22.858 tỷ đồng, góp phần bố trí đủ vốn để bảo đảm tiến độ triển khai Dự án nhất là giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng đòi hỏi số vốn lớn, đã cơ bản hoàn thành trong năm 2023; cơ chế về tổ chức thực hiện: việc giao UBND TP. Hồ Chí Minh làm đầu mối đã phát huy vai trò chủ động phối hợp thực hiện được sự đồng bộ cho toàn Dự án; việc cho phép các dự án thành phần được thực hiện trình tự thủ tục quyết định đầu tư dự án tương tự dự án nhóm A đã tăng tính chủ động, trách nhiệm, tạo rất nhiều thuận lợi trong việc rút ngắn các thủ tục và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị dự án.
Đến nay, về thủ tục đầu tư, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án thành phần với tổng mức đầu tư là 68.660 tỷ đồng; bảo đảm tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt Thiết kế kỹ thuật, dự toán theo kế hoạch. Về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổng thể dự án đạt khoảng 95% (575/603 ha), riêng đoạn qua TP. Hồ Chí Minh đạt 99,9%.
Tiến độ khởi công, thi công các dự án thành phần: cơ bản đáp ứng yêu cầu. Giai đoạn đầu dự án gặp rất nhiều khó khăn về khan hiếm nguồn vật liệu cát đắp nền đường. Tuy nhiên, Thành phố đã chủ động phối hợp với các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Long An rà soát lại, thống nhất các mốc tiến độ thông xe các dự án thành phần, hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án năm 2026, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án theo mục tiêu đề ra, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi cho biết.
Về tiến độ giải ngân, đến hết năm 2023, tổng số vốn Dự án đã giải ngân 24.302 tỷ đồng (trong đó, từ vốn ngân sách trung ương là 14.946 tỷ đồng. Đến ngày 30.9.2024, toàn bộ Dự án đã giải ngân đạt 4.409/14.161 tỷ đồng đạt 31%.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng báo cáo cụ thể về kết quả thực hiện Nghị quyết số 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh; và các nội dung cần báo cáo Quốc hội trong thời gian tới, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, Đề án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh và Đề án xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh...