Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tổng hợp số liệu tại Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đầu tư công, kết quả phân bổ vốn ngân sách trung ương năm 2024 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cho 6 ngành, lĩnh vực Ủy ban phụ trách là 7.645 tỷ đồng.
Tính lũy kế trong 4 năm 2021 - 2024, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của 6 ngành, lĩnh vực do Ủy ban phụ trách đã phân bổ đạt 62,42% kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (74,13%).
Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31.8, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của 10 cơ quan trung ương thuộc các lĩnh vực do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phụ trách đạt 23,51% kế hoạch, thấp so với bình quân cả nước là 40,49%.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một số lĩnh vực gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất; điều chỉnh quy hoạch cục bộ; trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; trình tự, thủ tục trong đầu tư xây dựng còn phức tạp, đan xen nhiều quy định pháp luật, nhiều thủ tục...
Đối với các công trình văn hóa nghệ thuật, được xây dựng để tạo lập biểu tượng văn hóa, điểm thu hút khách du lịch, yêu cầu về tính thẩm mỹ và phương án kiến trúc cao, suất đầu tư lớn. Việc đáp ứng các quy định hiện hành về thời gian thực hiện, định mức đầu tư là thách thức lớn đối với nhóm công trình này, vì vậy, thường dẫn đến việc điều chỉnh dự án nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện quá quy định.
Bên cạnh đó, các công trình tu bổ di tích văn hóa, đồng thời đáp ứng các quy định về Luật Xây dựng và Luật Di sản văn hóa, nên quy trình thẩm định chủ trương đầu tư và thỏa thuận phương án thiết kế, thực hiện dự án thường kéo dài…
Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2023, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 15 cuộc kiểm toán có liên quan đến lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Về cơ bản các bộ, ngành đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể, đối với chi thường xuyên, các đơn vị đã ban hành một số văn bản để nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp. Trên cơ sở nguồn thu thuộc lĩnh vực quản lý, các bộ, ngành đã cân đối giao dự toán chi thường xuyên, phân bổ các nguồn kinh phí sự nghiệp theo quy định của Nhà nước.
Đối với chi đầu tư phát triển, về cơ bản việc lập, thẩm định, phân bổ, giao và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; công tác điều hòa, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; công tác quản lý, thực hiện đầu tư đã được tổ chức thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan…
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá cao báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước. Các báo cáo đã cung cấp nhiều số liệu, thông tin vừa tổng thể, vừa cụ thể về tình hình phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong các lĩnh vực Ủy ban phụ trách; đánh giá được kết quả thực hiện năm 2024, đồng thời, dự toán năm 2025 và giai đoạn 3 năm 2025 - 2027 các lĩnh vực do Ủy ban phụ trách.
Làm việc với các bộ, ngành thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách về tình hình phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Thường trực Ủy ban nhận thấy, công tác xây dựng kế hoạch chi ngân sách nhà nước hàng năm chưa thực sự chất lượng và sát với nhu cầu thực tiễn.
Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý tài chính, quản lý đầu tư còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; dự án còn bị điều chỉnh, nguồn vốn cuối năm phải điều chuyển lớn, các biệt còn có những nhiệm vụ, dự án không triển khai được. Quá trình triển khai thực hiện, thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chồng chéo. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý kịp thời, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chưa được quan tâm…
Nhiều vấn đề cũng được đưa ra bàn thảo: giải pháp nâng cao tỷ lệ giải ngân trong các lĩnh vực; chính sách ưu đãi về thuế, hợp tác công tư, quản lý tài sản công trong lĩnh vực văn hóa; bảo đảm chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học; xem xét giảm mức thuế suất đối với các cơ quan báo chí, xuất bản, có chính sách thúc đẩy kinh tế báo chí…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận các báo cáo và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước chi tiết, đầy đủ số liệu, giúp Thường trực Ủy ban có thêm thông tin, từ đó đề xuất giải pháp cùng với các bộ, ngành, lĩnh vực phụ trách hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng, một số vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá tổng thể, trong đó có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ. Ủy ban sẽ giám sát, đồng hành, đôn đốc các bộ, ngành, lĩnh vực trong lĩnh vực phụ trách.
Về nhu cầu vốn đầu tư năm 2025, theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, nhìn chung đáp ứng đề xuất của các bộ, ngành, lĩnh vực. Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị các bộ rà soát, tính toán kỹ nhu cầu cho giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho các ngành, lĩnh vực phát triển.