Tiếp tục Kỳ họp thứ Sáu, sáng nay, 9.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Tiếp tục rà soát các nguyên tắc, tiêu chí chọn dự án thí điểm
Đa số ĐBQH tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.
Theo ĐBQH Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), quá trình triển khai thực hiện quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã phát sinh những nội dung chưa phù hợp với bối cảnh và yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn trong đầu tư xây dựng. Do đó, các dự án giao thông đường bộ cần thiết phải có những giải pháp tháo gỡ ngay trong khi chờ sửa đổi các quy định pháp luật liên quan nhằm bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu mà Đảng và Quốc hội đã đề ra. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý để tháo gỡ những khó khăn, bất cập của thực tiễn đặt ra mà chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh.
Tại dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất 4 nguyên tắc xây dựng danh mục thí điểm, gồm: có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông Vận tải và/hoặc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án, trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của HĐND cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm; có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể; các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này.
ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, việc xác định các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm rất quan trọng, là cơ sở để xem xét, quyết định một dự án có thuộc diện được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết hay không. Do vậy, cần xác định rõ đây là thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mà các dự án nào đáp ứng đủ tiêu chí thì được áp dụng hay đây là quy định về một số dự án được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù, thí điểm, cơ chế, chính sách đặc thù khác với việc quy định một số dự án được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù.
Theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, nếu trường hợp là thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù thì cần quy định cụ thể các tiêu chí để các cơ quan có thẩm quyền căn cứ vào đó xác định dự án nào đáp ứng đủ tiêu chí để được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và sau thời gian thí điểm sẽ tiến hành tổng kết, nếu phù hợp thì xem xét sửa đổi, hoàn thiện pháp luật có liên quan. Còn trường hợp quy định một số dự án được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù thì cần quy định cụ thể các dự án nào được hưởng cơ chế đặc thù đó, lý giải tại sao các dự án đó được áp dụng cơ chế đặc thù. Từ những phân tích này, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị tiếp tục rà soát các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Điều 3 dự thảo Luật.
Tăng tỷ lệ vốn tham gia của nhà nước để dự án PPP hấp dẫn
Một vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm là quy định về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đề xuất của Chính phủ, quy định này cho phép tăng tỷ lệ vốn tham gia của nhà nước vào dự án PPP từ không quá 50% lên không quá 70%. Đa số ĐBQH tán thành với đề xuất của Chính phủ nhằm tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân, bảo đảm hiệu quả tài chính dự án.
ĐBQH Lại Văn Hoàn (Thái Bình) cho biết, thực tế hiện nay có 3 trường hợp cần Nhà nước phải giữ vai trò là nhà đầu tư chính. Thứ nhất, đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn, gồm nhiều hợp phần khác nhau, đòi hỏi nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng, đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực nhà nước phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư.
Thứ hai, một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế - xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng như vùng Tây Bắc, vùng Tây Nguyên đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác… nên cũng cần quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.
Thứ ba, đối với dự án hạ tầng kết nối liên vùng được đầu tư theo hình thức PPP và được phê duyệt triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư ban hành năm 2020 có hiệu lực, trong đó nguồn lực nhà nước chiếm tỷ trọng cao theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện và cần được phân bổ đủ nguồn vốn.
Nhất trí với đề xuất của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho rằng, điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các dự án PPP khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh cũng đề nghị, cần xây dựng tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần vốn nhà nước lên trên 50% và không vượt quá 70% tổng vốn đầu tư. Đồng thời, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan cần thẩm định tính khả thi của dự án trước khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia nhằm loại trừ những rủi ro không mong muốn trong quá trình thực hiện.