Thị trường lao động Việt Nam cần cả “thầy” và “thợ”

Theo Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, việc vào đại học hay học nghề, mỗi lựa chọn đều có những ưu điểm và khó khăn riêng.

Không có phương án nào là ưu điểm tuyệt đối

Thời điểm này, trong khi nhiều thí sinh đã có định hướng rõ ràng cho tương lai thì một số em vẫn băn khoăn với câu hỏi nên đăng ký xét tuyển vào các trường đại học hay lựa chọn đi học nghề để sớm có công việc, phụ giúp gia đình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vấn đề trên, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT chia sẻ, hiện nay, thị trường lao động Việt Nam thiếu cả nguồn nhân lực tốt nghiệp đại học và nguồn nhân lực tốt nghiệp các trường nghề. Hay nói cách khác, chúng ta thiếu cả “thầy” và cả “thợ”, đặc biệt là “thầy” và “thợ” chất lượng cao.

Tiến sĩ Nghệ nhấn mạnh, thí sinh cần nhìn nhận rằng, việc vào đại học hay học nghề, mỗi lựa chọn đều có những ưu điểm và khó khăn riêng.

Theo đó, về mặt bằng cấp, trình độ đại học sẽ được đánh giá ở mức cao hơn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về mặt thang bảng lương, nếu tốt nghiệp đại học, thang bảng lương của Nhà nước sẽ ở mức cao hơn so với tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cơ hội thăng tiến đối với sinh viên tốt nghiệp đại học cũng tốt hơn các em tốt nghiệp trường nghề.

“Tuy nhiên, so sánh với học nghề, việc học đại học cũng có những điểm khó khăn hơn. Ví dụ, vào đại học phải mất khoảng thời gian học dài hơn, học phí và yêu cầu đầu vào trường đại học cũng thường cao hơn trường nghề. Những nhược điểm này của học đại học chính là ưu điểm của học nghề”, Tiến sĩ Nghệ phân tích.

Về vấn đề cơ hội việc làm, theo Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, thị trường lao động Việt Nam luôn cần cả người tốt nghiệp đại học và người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, sinh viên ra trường có kiếm được việc làm hay không, việc làm có tốt không, thu nhập có cao không,… phụ thuộc vào chính bản thân các em - tức là khả năng làm việc của người lao động có đáp ứng được yêu cầu từ thị trường lao động hay không.

Căn cứ vào những ưu điểm, khó khăn của việc học đại học hay học nghề, thí sinh phải lựa chọn hướng đi phù hợp nhất với mình, không có phương án nào là ưu điểm tuyệt đối.

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Thị trường lao động Việt Nam cần cả “thầy” và “thợ” -0
Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT

Với một số ý kiến cho rằng, các trường đại học đang tập trung đào tạo lý thuyết nên sinh viên tốt nghiệp chỉ biết lý thuyết đơn thuần, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ cho hay, thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành TW Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, chúng ta đã chuyển hướng từ truyền thụ kiến thức sang thành năng lực cho người học.

Vì vậy, quan điểm cho rằng các trường đại học chỉ truyền thụ kiến thức lý thuyết cho sinh viên là không đúng. Các trường đại học phải có mục tiêu đào tạo và hình thành năng lực cho người học, có chuẩn đầu ra đối với từng chương trình, từng ngành đào tạo.

“Như tại trường Y không có khái niệm đào tạo “bác sĩ lý thuyết”, bác sĩ phải giỏi cả lý thuyết, giỏi cả thực hành. Hay với ngành công nghệ thông tin cũng vậy, kỹ sư công nghệ thông tin phải giỏi cả lý thuyết, cả thực hành.

Không có câu chuyện sinh viên tốt nghiệp đại học mà chỉ biết lý thuyết. Các em khi tốt nghiệp đại học phải đạt chuẩn đầu ra, phải hình thành được năng lực của mình và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động”, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nói.

Nên chọn ngành trước, chọn trường sau

Với các thí sinh đã xác định sẽ theo học đại học nhưng đang băn khoăn giữa các trường, các ngành đào tạo khác nhau, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ đưa ra lời khuyên, thí sinh nên chọn ngành trước, sau đó mới chọn trường.

Để chọn ngành, thí sinh cần xem năng lực, sở trường của bản thân phù hợp với ngành nào qua nhiều giải pháp. Thứ nhất, sử dụng các phần mềm test thử - trả lời câu hỏi để kiểm tra xem mình phù hợp với những ngành học nào. Thứ hai, hãy nhìn nhận trong các môn học tại trường phổ thông, các em có xu hướng yêu thích, học tốt môn nào, từ đó cân nhắc những ngành đào tạo phù hợp với môn học đó.

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ: Thị trường lao động Việt Nam cần cả “thầy” và “thợ” -0
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Bên cạnh đó, thí sinh có thể hỏi kinh nghiệm, xin ý kiến tư vấn từ những người đi trước: người lớn tuổi có kinh nghiệm, bố mẹ, anh chị em, những người xung quanh, chuyên gia trong các lĩnh vực,…

“Ngoài xem xét các yếu tố về năng lực, sở trường, các em cần suy nghĩ xem mình có đam mê, có thích ngành học đó không. Có thể em có năng lực để theo học ngành này, nhưng bản thân không thích thì cũng không nên chọn”, Tiến sĩ Nghệ nói.

Theo Tiến sĩ Nghệ, sau khi đã chọn được ngành yêu thích, mong muốn vào học, thí sinh mới nên nghĩ đến chuyện chọn trường. Mỗi ngành học có thể có nhiều trường cùng đào tạo, các em cần cân nhắc để lựa chọn.

Nên đánh giá kết quả học tập của bản thân ở mức nào, sau đó so sánh với mức điểm trúng tuyển những năm vừa qua của các trường mình muốn đăng ký. Từ đó, xem xét khả năng học tập của mình có đáp ứng được hay không.

Thí sinh cũng cần cân nhắc đến yếu tố vị trí địa lý của trường nằm ở đâu. Chẳng hạn, một thí sinh ở Hưng Yên muốn chọn một trường ở TP. Hồ Chí Minh thì phải tính toán xem điều kiện kinh tế của mình có đáp ứng được hay không, bởi việc đi lại từ TP. Hồ Chí Minh về Hưng Yên sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu học tập ở các trường thuộc khu vực phía Bắc.

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ nhấn mạnh thêm, giữa ngành nghề xã hội và ngành nghề đào tạo nhiều khi không trùng nhau. Do đó, thí sinh nên nghiên cứu thật kỹ cân để lựa chọn được ngành học, trường hợp phù hợp nhất với bản thân mình.

“Ví dụ, muốn trở thành giáo viên phổ thông, em có thể học nhiều ngành học khác nhau. Ngoài các ngành sư phạm như Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Hóa, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý,… thì trường phổ thông cũng tuyển dụng cả những sinh viên tốt nghiệp ngành khác như Công nghệ thông tin, Quản lý giáo dục. Cũng có trường tuyển dụng cả sinh viên tốt nghiệp cử nhân Toán học, không bắt buộc phải học Sư phạm Toán.

Hoặc muốn làm trong ngành y tế, các em có thể học rất nhiều ngành như bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ, tâm lý học, thậm chí ngành pháp luật cũng có thể làm việc trong lĩnh vực y tế”, ông nêu dẫn chứng.

Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc
Giáo dục

Cần sự vào cuộc của cả xã hội để mang lại môi trường học tập hạnh phúc

Tại hội thảo Hạnh phúc trong giáo dục 2024 tổ chức trong hai ngày 23 - 24.11, Anh hùng Lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn có sự thấu hiểu và vào cuộc của xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cho sự nghiệp trồng người nhằm mang lại hạnh phúc đích thực cho con trẻ trong hành trình học tập.

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm
Giáo dục

Tuyển sinh năm 2025: Bộ GD-ĐT siết chặt quy định xét học bạ và xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Theo đó, về xét tuyển học bạ phải dùng cả kết quả lớp 12; Chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành.