Cuộc thi do Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức.
Sân chơi bổ ích thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học bắt đầu được tổ chức từ năm học 2011-2012. Trải qua 12 lần tổ chức, Cuộc thi đã lựa chọn được những dự án, những học sinh xuất sắc để tôn vinh, trao giải thưởng; đồng thời cũng đã chọn được những dự án đi dự thi quốc tế và đạt kết quả cao trong nhiều năm qua.
Theo Thứ trưởng, kết quả đó cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của học sinh, sự tận tâm của các thầy cô giáo và sự nghiêm túc, công bằng, chất lượng trong công tác tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Nhưng quan trọng hơn, cuộc thi là sân chơi bổ ích để thúc đẩy học sinh nghiên cứu khoa học từ bậc THCS, tới bậc THPT, từng bước hình thành năng lực nghiên cứu khoa học của các em ở bậc cao hơn; đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, đồng thời thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Nhấn mạnh yêu cầu, những năm trước cuộc thi đã được tổ chức tốt rồi, năm nay phải tốt hơn nữa, Thứ trưởng đề nghị các chủ thể tham gia cuộc thi thực hiện đầy đủ, đúng quy chế cuộc thi, đảm bảo an ninh, an toàn và kỷ luật.
Đối với Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Thứ trưởng đề nghị chỉ đạo, điều hành bám sát quy chế, kế hoạch, đồng thời linh hoạt, chủ động, đảm bảo cuộc thi đạt được mục đích, yêu cầu. Thứ trưởng mong muốn, Ban Giám khảo làm việc khách quan, công tâm, trên tinh thần tất cả vì học sinh để lựa chọn được những dự án xứng đáng trao giải, xứng đáng để dự thi quốc tế tại Hoa Kỳ.
Ghi nhận những nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học của các em học sinh suốt thời gian qua để đề xuất, tiến hành các dự án mang đến cuộc thi, Thứ trưởng mong các em sẽ tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ cuộc thi các cấp trước đó để tiếp tục tự tin, chủ động, phát huy hết năng lực của mình trong cuộc thi cấp quốc gia.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định 283 học sinh với 149 dự án tham gia Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 đều là người chiến thắng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng gửi gắm tới các em câu nói nổi tiếng của nhà Vật lý học Albert Einstein “đừng phấn đấu trở thành người thành công, hãy trở thành người có giá trị” với nhấn mạnh: Tất cả các thầy cô, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo… Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật học sinh trung học đang tạo cho các em một sân chơi để các em từng bước hình thành phẩm chất, năng lực và trở thành những con người có giá trị.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho hay: Tỉnh Bắc Giang coi đây là sự kiện quan trọng góp phần đưa Bắc Giang vào bản đồ các địa phương quan tâm mạnh mẽ nhất đến phát triển giáo dục, tích cực thực hiện hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước là coi giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.
Là đại diện cho các em học sinh tham gia cuộc thi năm nay, em Nguyễn Hồng Hoàng, học sinh trường THPT chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: Được tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học em cảm thấy hạnh phúc và trưởng thành hơn. Ở hoạt động này, Đặc biệt, càng nghiên cứu em càng yêu thêm sự học của mình, ước mơ và niềm đam mê khoa học cũng lớn lên.
Đại diện Ban Giám khảo cuộc thi, PGS.TS Trần Huy Hoàng, Trưởng Ban Giám khảo cam kết sẽ thực hiện đúng quy chế, công tâm, khách quan với tinh thần trân trọng, trách nhiệm cao nhất để các em học sinh yên tâm trình bày dự án, tự tin thể hiện khả năng bản thân tại cuộc thi.
74 đơn vị với 149 dự án dự thi
Đây là năm thứ 12 cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị dự thi, trong đó có 62/63 Sở GD-ĐT và 12 đơn vị thuộc các đại học, trường đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Năm nay, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật có tổng số 149 dự án dự thi, thuộc 21 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa sinh, Y sinh và khoa học sức khỏe, Kỹ thuật Y sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng hóa học, Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học thực vật, Robot và máy tính, phần mềm hệ thống, Y học dịch chuyển.
Với yêu cầu đảm bảo tính trung thực, công bằng, khách quan, đánh giá đúng phẩm chất và năng lực học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, Ban Tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn các thành viên Ban Giám khảo là những người có uy tín từ 19 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Thành viên Ban Giám khảo đảm bảo các yêu cầu: Không là người tham gia hướng dẫn, tư vấn khoa học các dự án tham gia Cuộc thi; không tham gia đánh giá dự án dự thi Cuộc thi ở cấp địa phương và không tham gia Ban Giám khảo trong 2 năm gần đây.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT tổng số giải của Cuộc thi không vượt quá 50% số lượng dự án tham gia dự thi. Điểm của các dự án dự thi là căn cứ xếp giải Nhất, Nhì, Ba, Tư. Các dự án đạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT; các dự án đạt giải Nhất, Nhì sẽ được tặng “Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh; các dự án đạt giải Tư sẽ được tặng Giấy khen của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC). Các giáo viên hướng dẫn học sinh đạt giải Nhất tại Cuộc thi được Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng Bằng khen.
Những dự án tốt nhất của Cuộc thi cũng sẽ được tuyển chọn tham gia Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ năm 2024.