Mới đây, sau khi đọc được các bài viết trên Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, đã có thêm nhiều khách hàng nhận thấy mình đang rơi vào tình cảnh tương tự những trường hợp báo phản ánh nên tiếp tục gửi đơn kiến nghị với mong muốn được công ty bảo hiểm xem xét để huỷ hợp đồng vì họ cho rằng chỉ muốn gửi tiết kiệm chứ không có nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ.
Cụ thể, trường hợp của khách hàng N.T.L (SN 1966, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) phản ánh, ngày 19.10.2022 chị L và chồng là N.N.H có mang 580 triệu đồng ra gửi tiết kiệm tại ngân hàng – Chi nhánh Hoàng Quốc Việt.
Tại đây, Chị L được giao dịch viên ngân hàng tiếp đón và gọi thêm nhân viên bảo hiểm là Đ.T.M ra tư vấn và giới thiệu một “sản phẩm tích lũy” với lãi suất 8.6 – 8.9% của ngân hàng. Khi đó chị L có trao đổi rằng muốn gửi tiền tiết kiệm vì hiện đã 58 tuổi, không còn mong muốn lãi suất cao mà chỉ cần sự an toàn. Tuy nhiên, nhân viên Đ.T.M và ngân hàng chi nhánh Hoàng Quốc Việt đã đánh tráo khái niệm, tư vấn mập mờ rằng sản phẩm tích lũy này “mỗi năm đóng 50 triệu, sau 6 năm sẽ lấy được gốc 300 triệu cộng thêm lãi, đồng thời tư vấn viên còn nêu thêm các quyền lợi về y tế, nằm viện” nhưng tuyệt nhiên không hề nói đây là Bảo hiểm nhân thọ.
“Tiếp đến, giao dịch viên ngân hàng và tư vấn viên bảo hiểm tự điền các thông tin và đưa cho tôi 2 tờ giấy bảo tôi ký vào chỗ cần ký “để lấy chữ ký mẫu”. Trong lúc đưa tôi ký, tư vấn viên che phần nội dung phía trên nên tôi không biết nội dung gì, mặt khác tôi hoàn toàn tin tưởng uy tín ngân hàng nên tôi không đọc lại. Sau đó, nhân viên tư vấn đưa tôi sổ tiết kiệm trị giá 530 triệu đồng và giấy nộp tiền 50 triệu đồng”, đơn chị L viết.
Khoảng 3 ngày sau, nhân viên tư vấn đưa chị L một tờ giấy A4 nhưng không phải là sổ tiết kiệm mà là “Chứng nhận bảo hiểm” số 210000038599 cấp ngày 19.10.2022. Thời điểm này, chị L vẫn chưa hề biết đã mua nhầm bảo hiểm nhân thọ. Sự việc chỉ vỡ lở khi chị L đọc được thông tin về một trường hợp đi nước ngoài phải chứng minh tài chính, mà khi ra ngân hàng gọi cho nhân viên ngân hàng thì sổ tiết kiệm thành hợp đồng bảo hiểm.
“Tôi thấy giống trường hợp của mình nên kiểm tra thì thấy không phải tài khoản tiết kiệm mà là sản phẩm tích lũy, là một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có rất nhiều điều khoản ràng buộc, nếu rút sẽ mất 90% phí đã đóng cộng thêm phí quản lý tài khoản, quản lý quỹ...nên số tiền tôi nhận lại chỉ còn 2 triệu. Sau khi làm việc rất nhiều lần với ngân hàng tôi mới biết rõ khoản tiền 50 triệu gửi tiết kiệm của tôi đã thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ”, chị L cho biết.
Sau khi phát hiện mình mua nhầm bảo hiểm nhân thọ, từ tháng 4.2023 đến tháng 9.2023, chị L đã trải qua quá trình làm việc rất gian nan với các nhân viên ở ngân hàng cũng như đã gửi đơn thư khiếu nại lên trụ sở Bảo hiểm nhân thọ tại Hà Nội với mục đích rút tiền khỏi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì được tư vấn viên bảo hiểm Đ.T.M hướng dẫn làm các bước để hủy hợp đồng và hoàn trả tiền bảo hiểm.
Bên cạnh đó, chị L cũng phản ánh về nhiều bất thường trong hợp đồng của mình như liên quan đến chữ ký mạo danh, email không chính xác, thông tin về thu nhập hàng năm hoàn toàn sai lệch lên đến 300 triệu/năm trong khi chị L đang ở nhà không còn đi làm. Đặc biệt, về thông tin tình trạng sức khoẻ của chị L và những người trong gia đình dù tư vấn viên không hỏi nhưng trong hợp đồng bảo hiểm lại tự ý ghi.
Sau khi nhận phản ánh của chị N.T.L, Báo Đại biểu Nhân dân đã gửi thông tin đến ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ. Phía cung cấp dịch vụ bảo hiểm thông tin rằng, trường hợp của khách hàng N.T.L đang được phía công ty xem xét, xử lý.
* Theo thông tin mới nhất Báo Đại biểu Nhân dân nhận được, khách hàng N.T.L đã được chấp nhận cho huỷ hợp đồng và hoàn lại tiền.