
Bản đồ Logistics ghi tên Bắc Giang
Đó là lời phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh tại buổi Lễ ra mắt Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang. Theo ông Oanh, những năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 -2024 đạt trên 14%/năm; trong đó có 3 năm dẫn đầu toàn quốc; quy mô nền kinh tế vươn lên vị trí thứ 12 cả nước, đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc. Hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp và hạ tầng xã hội luôn được tỉnh quan tâm và đầu tư đồng bộ; đã và đang phát huy hiệu quả cao. Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và trình độ phát triển kinh tế - xã hội cũng nhu cầu của các doanh nghiệp; hệ thống logistics quy mô nhỏ và còn phân tán, dẫn tới chi phí vận chuyển cao, thời gian giao thương kéo dài.

Nhận thức đó là điểm nghẽn, nên tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics; đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ phát triển 8 trung tâm tổng hợp logistics với tổng diện tích gần 500 ha, 3 cảng cạn (ICD), 33 cảng thủy nội địa; xác định logistics là một trong những ngành dịch vụ mũi nhọn.
Dự án Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang là công trình mang ý nghĩa chiến lược, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc phát triển hạ tầng logistics hiện đại, thúc đẩy thương mại, công nghiệp và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trung tâm hoàn thành và ra mắt hôm nay, đã ghi tên Bắc Giang trên bản đồ hệ thống các trung tâm logistics quy mô lớn, hạ tầng hiện đại tại khu vực miền Bắc; khai thác tiềm năng và lợi thế của Bắc Giang về phát triển ngành dịch vụ được coi là “mạch máu” của nền kinh tế; mở ra động lực tăng trưởng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, ông Oanh chia sẻ.

Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang được đầu tư tại vị trí đắc địa thuộc địa bàn phường Song Khê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Chủ đầu tư là Tập đoàn CNCTech Group, hợp tác với Tập đoàn DolGroup và đơn vị thi công là Tập đoàn Thiên Ân đã quyết tâm hoàn thành từng hạng mục công trình và bắt đầu phát huy hiệu quả hoạt động.. Trung tâm hứa hẹn là điểm kết nối chiến lược các khu, cụm công nghiệp, các nhà máy sản xuất tại Bắc Giang nói riêng và các tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng..., thông qua các tuyến quốc lộ, cao tốc huyết mạch tới các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sắt, đường biển, Cảng hàng không quốc tế. Đặc biệt, từ đây thuận tiện để kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước với thị trường Trung Quốc, tiếp đến là Asean và ra thế giới. Do tầm quan trọng của dự án, nên những năm qua, đặc biệt là năm 2024, tỉnh Bắc Giang quyết liệt vào cuộc sát sao chỉ đạo gỡ vướng và gỡ khó cho dự án, để nhà đầu tư triển khai các hạng mục công trình và đi vào hoạt động.

Trung tâm là sản phẩm chiến lược, thuộc mũi nhọn Logistics trong hệ sinh thái hạ tầng công nghiệp và logistics của tập đoàn CNCTech. Tại đây sẽ cung cấp giải pháp logistics toàn diện bao gồm hệ thống hạ tầng hiện đại, tích hợp chuỗi giải pháp dịch vụ logistics khép kín, ưu việt, nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh chuỗi cung ứng; đồng thời khẳng định cam kết đầu tư lâu dài nhằm kiến tạo một hệ sinh thái logistics hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, tiên phong về giải pháp logistics xanh.
Trung tâm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Trung tâm Logistics hạng II Quốc Gia, rộng 67 ha, bao gồm hệ thống kho bãi đa chức năng như: Kho kiểm soát Hải quan, kho phi thuế quan, kho thương mại điện tử, kho tự động hóa… kết hợp với hệ thống giải pháp logistics toàn trình, các mô hình Hub xuyên chuỗi lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam (Hub thương mại điện tử một điểm dừng, Hub trung tâm nông sản xuất nhập khẩu…)
Giấc mơ lớn thành hiện thực
Cùng với những thành tựu vượt bậc mà của đất nước đạt được trong những năm qua, thì ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, theo thống kê và đánh giá, chi phí logistics của nước ta vẫn chiếm tới khoảng 16-17% GDP – cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Điều này cho thấy rất nhiều việc phải làm, từ việc đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng, cải tiến công nghệ, đến việc đồng bộ hóa quản lý chuỗi cung ứng và phát triển các trung tâm logistics hiện đại, đa chức năng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, thì trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, logistics chính là huyết mạch của nền kinh tế. Việt Nam, với vị thế là một trong những quốc gia năng động trong ASEAN, đang đẩy mạnh kết nối thương mại quốc tế thông qua 16 hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, chi phí logistics hiện vẫn cao hơn mức trung bình của khu vực..., Việc Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang đi vào hoạt động không chỉ là dấu mốc phát triển của ngành logistics Việt Nam mà còn khẳng định tầm nhìn xây dựng hệ sinh thái logistics thông minh, hiện đại, đáp ứng xu thế hội nhập toàn cầu.
Từ trăn trở, suy nghĩ, đến ấp ủ, mơ ước, nỗ lực của những doanh nhân trẻ, Trung tâm Logistics Quốc tế Bắc Giang chính là một trong những kết quả thiết thực và mang tính chiến lược để góp phần thay đổi điểm nghẽn. Từ thành công này, các doanh nhân này đang khát vọng sẽ làm được nhiều trung tâm logistics quy mô tương tự và lớn hơn ở nhiều tỉnh thành trọng điểm trên cả nước, nhằm góp phần giảm chi phí logistics chung, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nâng tầm chuỗi cung ứng quốc gia.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, Chủ tịch HĐQT CNCTech cảm động chia sẻ “giấc mơ về một trung tâm logistics đẳng cấp quốc tế, kết nối vùng - kết nối chuỗi - kết nối tương lai, đã chính thức hình thành tại Bắc Giang”. Theo ông Hùng, “logistics không chỉ là hạ tầng, mà là một phần của năng lực quốc gia..., với nhà đầu tư vào logistics không phải là một lựa chọn thương mại - mà là một tuyên bố chiến lược. Đó là cách chúng tôi góp phần gỡ những nút thắt của nền kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng Việt và đặt nền móng cho những doanh nghiệp dám mơ xa hơn ra ngoài biên giới.