![]() Thế giới của Christine, 1948, sơn dầu của Andrew Wyeth, lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York, Mỹ |
Christina, người mẫu trong bức tranh tên đầy đủ là Christina Olson, hàng xóm của Wyeth ở thị trấn Cushing, Maine - mảnh đất nhô ra của biển Đại Tây Dương. Mùa hè 1939, trong chuyến về thăm gia đình, tình cờ một lần đứng ở cửa sổ trên cao ở nhà anh em Olson, Wyeth nhìn thấy Christina đang cố bò qua cánh đồng. Christina là thợ may khéo léo và người nội trợ tuyệt vời, nhưng từ khi 3 tuổi cô đã bị chứng thoái hóa cơ nên mất khả năng đi lại. Càng lớn tuổi, bệnh càng nặng, đến năm 26 tuổi, cô đã không thể đi quá 3 bước mà không có người giúp đỡ. 53 tuổi, đôi chân cô hoàn toàn không sử dụng được nữa. Bác sỹ khuyên cô nên cố gắng ra ngoài thường xuyên. Nhưng thay vì sử dụng xe lăn, Christina lại muốn bò với đôi tay…
Hình ảnh và nghị lực phi thường của Christina đã khiến Wyeth xúc động và ám ảnh. Đối với ông, Christina là những biểu tượng của xứ Maine, một tiểu bang vùng New England, Mỹ. Ông bắt đầu làm nhiều phác họa chì về cô. Hình ảnh những ngôi nhà đơn côi giữa cánh đồng hoang vắng cũng bắt đầu được phác ra. Dường như người ta có thể nhìn thấy nghị lực phi thường từ hình ảnh của người đàn bà với chiếc váy hồng dẫu đã sờn cũ nhưng vẫn sáng rực trên nền đất nâu. Với việc mô tả búi tóc to xụ, điểm lấm tấm sợi bạc như xờm ra và bóng của cánh tay phải Christina in một vệt đen gãy trên eo lưng, bút pháp hiện thực của ông như khắc họa sâu hơn về sự chịu đựng của con người.
Ý tưởng về sự tương phản được khắc họa. Giữa không gian bao la của thiên nhiên, con người tật nguyền tưởng chừng bất lực, nhỏ nhoi. Đường chân trời quá cao càng tăng thêm cảm giác như Wyeth đặt người xem vào chính vị thế của Christina để cảm nhận về quãng đường. Đồng thời, ông còn cố ý nhấn mạnh đến tư thế của người mẫu theo hướng chéo với góc trái của bức tranh, càng khiến cảm giác về số phận và định mệnh như áp đặt lên tấm thân gày yếu. Tuy nhiên, ý chí của con người lại vượt lên tất cả. Khuôn đầu ngẩng cao và đôi tay đã làm nên những bước quyết liệt trên chặng đường.
Để hoàn thành bức tranh, Andrew Wyeth không chỉ sử dụng các bức phác họa Christina Olson, mà còn ghép cả hình ảnh của vợ mình là Betsy, để tạo nên hình ảnh toàn vẹn. Sức sống, ý chí đã vượt lên định mệnh. Thế giới của Christina còn đóng góp nhiều hơn thế vào các chủ đề trong nghệ thuật thế kỷ XX, bởi đây là lần đầu tiên hình ảnh người tật nguyền được đưa vào tranh thay cho những hình ảnh thuần túy hướng về cái đẹp thiên tạo của phụ nữ. Bởi vậy, nghị lực của Christina thông qua bút pháp hiện thực của Wyeth đã khiến hàng triệu trái tim xúc động.