
Ngày nay, tin tức về những tệ nạn hay bất cập trong xã hội là cái cớ để chúng ta than phiền và kêu ca. Phàn nàn, bực dọc, cáu kỉnh, chê bai đang trở thành trạng thái quen thuộc trong thực tế và càng hiển hiện rõ ràng trên internet. Nếu gõ từ bức xúc vào Google, ta sẽ có hơn 29 triệu kết quả. Lý giải cho điều này, TS. Đặng Hoàng Giang cho rằng: “Bức xúc giúp xoa dịu bứt rứt lương tâm khi chúng ta không đủ dũng cảm để làm hết những điều có thể làm trước sai trái trong xã hội. Lúc đó, cách trấn an bản thân hiệu nghiệm là tỏ ra bức xúc một cách gay gắt”.
Bức xúc trở thành thời thượng và được dùng như một tiểu xảo cho những mục đích khác nhau. Người ta có thể bức xúc để chứng tỏ mình là người lương thiện, chính trực, tử tế như nào. “Dần dần, chúng ta đâm ra nghiện những cái lắc đầu, những cái chép miệng, lúc thì ta phẫn nộ, khi thì chỉ cười buồn. Cảm giác mình tốt đẹp, cộng với sự vô can, không liên đới, không chịu trách nhiệm, là một cảm giác êm ái”. Tuy nhiên, TS. Đặng Hoàng Giang cũng chỉ rõ, khi chúng ta bức xúc không có nghĩa là chúng ta vô can. Cuộc sống của mỗi cá nhân đặt trên nền của nhiều bất công và phi lý, có thể chúng ta không tạo ra bức xúc nhưng chúng ta nằm trong mối quan hệ ràng buộc với chúng. Do đó, “bức xúc chỉ được giải quyết khi mang đến nhưng ảnh hưởng tích cực và cố gắng tạo ra thay đổi trong xã hội. Còn nếu không thì bức xúc chỉ khiến chúng ta đau dạ dày… chứ không giải quyết được vấn đề gì cả”…
Thế giới ngày nay phức tạp bởi có quá nhiều mối ràng buộc, do đó, nhiều nhà khoa học cho rằng thế giới đã vượt qua khỏi sự lĩnh hội, hiểu biết của chúng ta. Bởi vậy, để giải quyết những bức xúc, TS. Đặng Hoàng Giang khuyên: Hãy cố gắng tự vấn. Tự vấn giúp con người đặt ra những câu hỏi để trị liệu cho bản thân. Quá trình tự vấn là đứng lùi lại so với đám đông và quan sát sự việc. Khi có một vấn đề bức xúc, cần dành thời gian để suy nghĩ, tư duy và tìm ra bản chất của sự kiện đang diễn ra trước mắt và sau đó đưa ra giải pháp phù hợp.
Tuy nhiên, trong bài Vẻ đẹp của người đứng một mình tác giả thừa nhận, đứng một mình để tự vấn ở Việt Nam không dễ, vì văn hóa Việt Nam là văn hóa tập thể, mọi người có xu hướng mong chờ sự an toàn hơn, bớt cô độc khi theo số đông. “Tự vấn đòi hỏi sự dũng cảm. Thế nhưng, trong thời điểm hiện nay, đó là một kỹ năng, một khả năng và một cách sống cần thiết, điều đó giúp chúng ta giữ được cái liêm chính của mình không bị lung lay, không bị hoang mang, không bị phá hủy”.
Sau khi tự vấn, chúng ta quay lại tác động vào xã hội, thay đổi cộng đồng bằng những đóng góp, những ý kiến, những lời khuyên dưới sự vị tha và thương yêu, chứ không phải nhìn từ trên xuống. Sự vị tha sẽ giúp chúng ta hiểu họ nhưng mình cũng sẽ không bị sự lộn xộn đưa đẩy…
26 bài viết trong Bức xúc không làm ta vô can là 26 câu chuyện khác nhau, từ quen thuộc như ấn đền Trần, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like… đến các vấn đề vĩ mô nhưng lại ảnh hưởng mật thiết đến cuộc sống từng cá nhân như sự tàn phá của kinh tế thị trường, lý do khiến quốc gia thất bại, du lịch đại trà hay các vấn đề văn hóa không bao giờ hết nóng như sính ngoại, truyền hình thực tế… Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhận xét: “Với lăng kính đa chiều, tư duy tự do phản biện, cách tiếp cận vững chắc của một nhà chuyên môn, tác giả mổ xẻ xuyên qua các lớp lang văn hóa, xã hội, đời thường mà hầu hết chúng ta đều biết để tìm đến thực chất, ý nghĩa đích thực của hiện tượng… Không hề khô khan, không hề nhàm chán, cuốn sách kết hợp một cách sống động và hấp dẫn hơi thở của cuộc sống với tia sáng của học thuật”.